Nhà bác học Xô Viết, Tổng công trình sư Sergey Korolyov là cha đẻ của các con tàu vũ trụ, người có công đầu đưa Yury Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào khoảng không bao la, cũng là người có số phận thăng trầm, khi những ý tưởng và khát vọng chinh phục bầu trời của ông hầu hết được thực hiện trong trại giam.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cuộc chạy đua chinh phục không gian vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô đã diễn ra khá "ác liệt". Và như chúng ta đã biết, Liên Xô đã chiến thắng, khi là đất nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo (1957) và đưa con người đầu tiên lên vũ trụ (1961).
Mốc đáng nhớ đầu tiên, phóng vệ tinh nhân tạo thành công năm 1957, tức là chỉ 12 năm sau khi đất nước Xô Viết bước ra khỏi đống hoang tàn của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại với biết bao tổn thất về người và của. Chỉ được thiết kế và chế tạo trong vòng chưa đầy 1 tháng, Sputnik đã được phóng thành công. Đó là một kỳ tích.
Người có công lớn nhất trong kỳ tích đó, và sau đó 4 năm là kỳ tích đưa được Gagarin lên vũ trụ, chính là Viện sĩ Sergey Pavlovich Korolyov (1907-1966).
Về Korolyov báo chí sách vở đã viết nhiều, nhưng có một bí mật mà gần đây tờ Luận chứng và sự kiện ( АиФ ) mới công bố, khiến mọi người càng cảm phục ông hơn.
Sau khi đã thành danh với nhiều công trình quan trọng trong lĩnh vực máy bay và tên lửa, ngày 27/6/1938, S.Korolyov và một số cộng sự tại Viện nghiên cứu động cơ đẩy phản lực bị bắt giam với tội danh phá hoại. Người ta xác định rằng trong khoảng thời gian 1936-1938 trong các phòng thí nghiệm của Viện thường xảy ra các vụ nổ và hỏa hoạn.
Tòa án quân sự tối cao tháng 9/1938 đã tuyên Korolyov 10 năm tù lao động cải tạo. Năm 1940, từ trại cải tạo Kolyma ở Siberia, Korolyov được gọi về Moskva để "xem xét". Tòa đã hạ án xuống còn 8 năm và sau đó Korolyov thụ án tại nhà tù Butyrka của Dân ủy Nội vụ ở ngay thủ đô.
Điều đáng ngạc nhiên là tại nhà tù này có phòng nghiên cứu do Tổng công trình sư nổi tiếng Tupolev (khi đó cũng đang thụ án) lãnh đạo. Trong nhà tù này, Korolyov dưới sự chỉ huy của Tupolev đã góp công vào việc chế tạo các máy bay ném bom Pe-2 và Tu-2 và nghiên cứu các loại tên lửa đánh chặn. Năm 1942, ông chuyển về nhà tù ở Kazan và ở đó, ông tiếp tục có những nghiên cứu quan trọng trong việc chế tạo và hoàn thiện động cơ tên lửa.
Năm 1944, Korolyov được phóng thích trước thời hạn, theo quyết định được đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao ban ra theo chỉ thị của Stalin, sau kỳ họp ngày 27/7/1944. Theo đó, Korolyov được xóa bỏ tội phá hoại, nhưng vẫn chưa được phục hồi danh dự (minh oan, trả lại toàn bộ quyền công dân).
Và một điều kỳ lạ đã xảy ra, trở thành một tiền lệ vô tiền khoáng hậu ở Liên Xô: Năm 1956, Korolyov trở thành trường hợp đầu tiên một người tiểu sử có tiền án đã được phong danh hiệu Anh hùng lao động XHCN. Sau đó 1 năm, Korolyov mới chính thức được "phục hồi danh dự" vì "không có dấu hiệu phạm tội". Huân chương Anh hùng lao động XHCN đã được gắn lên ngực Korolyov trước giờ phóng vệ tinh đầu tiên của Trái đất, đánh dấu một trong 2 kỳ tích của nhà bác học trong sự nghiệp đầy gian truân và hiển hách của mình.
Trước 2 sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên năm 1957 và đưa người đầu tiên lên vũ trụ năm 1961, Ủy ban giải Nobel đã đề nghị trao giải cho người đứng đầu 2 chương trình này, nhưng Nhà nước Liên Xô từ chối. Tổng Bí thư Khrushev nói: "Không thể gọi tên một người nào cả, bởi đây chính là thành tựu của cả dân tộc".
Khrushev nói vậy, bởi dù là linh hồn của 2 chương trình vĩ đại, nhưng tên tuổi Korolyov được giữ kín như một bí mật quốc gia. Tên tuổi ông chỉ được biết đến sau khi ông mất vào năm 1966. Các cuộc mít tinh trọng thể chào mừng thành công chuyến bay của Gagarin và các phi công vũ trụ khác đều không có mặt ông. Các huân chương và giải thưởng cao quý ông đều nhận được qua các sắc lệnh mật. Đoạn phim được cho là quay cảnh Korolyov và Gagarin vào ngày 12/4/1961 lịch sử, thật ra là đã được dựng lại sau này.
Điều duy nhất là Korolyov được làm, đó là viết các bài báo đăng tải trên các báo lớn, về các vấn đề và triển vọng nghiên cứu vũ trụ. Nhưng ông chỉ được ký bút danh: giáo sư K.Sergeev (профессор К. Сергеев).
Cuộc đời của Tổng công trình sư Sergey Korolyov là một cuộc đời của một con người âm thầm cống hiến trí tuệ vĩ đại của mình cho đất nước, và rộng hơn, cho loài người. Cho dù đã có những lúc bị hiểu nhầm (đúng hơn là bị đơm đặt), bị vào chốn lao tù, nhưng ông hề không nản chí để tiếp tục con đường mà mình đã vạch ra và theo đuổi đến cùng, không mưu cầu một chút danh lợi và vinh quang.
Sau khi mất, Sergey Korolyov được an táng ở nghĩa trang số Một của Liên Xô: Nghĩa trang tường điện Kremli. Một thành phố ở ngoại ô Moskva đã vinh dự được mang tên ông- Người tù đã biết cách vươn tới các vì sao.
Bức ảnh này tác giả chụp tháng 8/2018 nơi yên nghỉ Vĩnh hằng của Sergey Korolyov trên tường điện Kremli, phía sau Lăng Lê-nin
Phan Việt Hùng