Đề án không khả quan
Theo thông tin công bố từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), một trong ba cổ đông củaCông ty Cổ phần hàng không SkyViet là Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ Thương ngày 3/5/2017 đã có công văn gửi Vietnam Airlines đề nghị làm thủ tục giải thể hãng bay này.
Trước đó, ngày 18/4/2017, CP Đầu tư TCO Việt Nam (trước đây là Công ty CP Phát triển dự án Techcomdeveloper) đã có văn bản gửi Vietnam Airlines đề xuất 2 phương án: Hoặc cổ đông hiện hữu mua lại cổ phần của TCO tại SkyViet hoặc cho giải thể công ty này. Như vậy, kết cục của hãng bay một năm tuổi gần như đã được định đoạt.
Trong bối cảnh thị trường hàng không trong nước đang cần đa dạng hóa hơn nữa, thì cái “chết” của SkyViet ít nhiều mang tới sự tiếc nuối. Song kể từ thời điểm đề án thành lập được công bố, nhiều ý kiến phản biện đã cảnh báo về tính khả thi.
SkyViet được thành lập dựa trên đề án của Vietnam Airlines gửi Bộ Giao thông vận tải đầu năm ngoái về việc thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở sắp xếp lại một thành viên của Vietnam Airlines là Công ty Bay Dịch vụ VASCO, cùng với sự tham gia của hai cổ đông tư nhân.
Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hồ Chí Minh ngày 10/3/2016 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty CP Hàng không SkyViet với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Ba cổ đông Vietnam Airlines, Công ty TNHH Quản lỹ quỹ Kỹ thương (Techcom Capital – một công ty con của Techcombank) và Công ty CP Phát triển dự án Techcomdeveloper góp lần lượt 51%; 48% và 1%.
Với vốn điều lệ bằng vốn pháp định tối thiểu để thành lập một hãng hàng không nội địa (Điều 8 Nghị định 30/2013), SkyViet là hãng bay liên doanh thứ hai của Vietnam Airlines mà tổng công ty này nắm hơn nửa quyền sở hữu, sau Jestar Pacific, cho thấy tham vọng cạnh tranh thị trường hàng không trong nước trước sự lớn mạnh không ngừng của đối thủ Vietjet Air.
Tuy nhiên, kinh doanh hàng không yêu cầu lượng vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, trong khi tỉ suất lợi nhuận lại thấp, đặc biệt đối với các chặng bay ngắn. Trong đề án thành lập, SkyViet dự kiến lãi sau thuế vỏn vẹn 1,95 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2018, thấp hơn khá nhiều kết quả kinh doanh của VASCO trước đó (VASCO giai đoạn 2010-2014 đạt tổng lợi nhuận 123,5 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 62%/ năm).
Bên cạnh yếu tố quản trị, nguồn nội lực hạn chế cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến cái “chết” của nhiều tên tuổi trong quá khứ như Indochina Airlines, Blue Sky, Air Mekong hay Trãi Thiên. Cho thấy mức độ khốc liệt trong cạnh tranh ở thị trường hàng không nội địa.
Không chỉ yếu tố tài chính, khía cạnh pháp lý của việc thành lập SkyViet cũng bị đặt dấu hỏi. Khi SkyViet được chuyển đổi trên cơ sở VASCO, tức là chuyển một đơn vị phụ thuộc thành một công ty cổ phần, luật pháp hiện hành chưa có cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi trực tiếp như thế này, mà phải qua các bước doanh nghiệp trực thuộc thành công ty trách nhiệm hữu hạn rồi mới được cổ phần hóa.
Ngoài ra việc không công khai thông tin, không tổ chức đấu giá quyền góp vốn khi chọn cổ đông chiến lược của SkyViet cũng gây ra những nghi ngại về thất thoát tài sản nhà nước.
Ngày 22/6/2016, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm rõ phương pháp xác định giá trị tài sản góp vốn, đảm bảo phù hợp với những phương pháp đã sử dụng khi xác định tài sản tương tự khi cổ phần hoá Vietnam Airlines. Làm rõ căn cứ pháp lý để quyết định việc góp vốn thành lập công ty cổ phần của Vietnam Airlines mà không thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP. Làm rõ việc xác định giá trị góp vốn của Vietnam Airlines (bao gồm tài sản hiện hữu do Vasco đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư ATR 72-500 và động cơ dự phòng máy bat ATR 72).
Còn uẩn khúc khác?
Theo đề án thành lập, trong chín tháng cuối năm 2016 và năm 2017, SkyViet sẽ phục vụ khoảng 1,1 triệu lượt khách, đạt doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên kể từ thời điểm thành lập, SkyViet “ngập” trong sự bất đồng, không tìm được tiếng nói chung giữa các cổ đông.
Trong số ba đơn vị góp, Techcomdeveloper là cái tên khá bí ẩn, mặc dù không liên quan trực tiếp, song có khá nhiều “sợi dây” gắn với Techcombank. Techcomdeveloper được thành lập vào cuối năm 2010, là thành viên của Công ty CP Đầu tư Thảo Điền (chủ đầu tư dự án Masteri Thảo Điền). Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thảo Điền Đỗ Tú Anh là giám đốc chi nhánh miền Nam của Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương (công ty con 100% vốn của Techcombank) và là thành viên ban đại diện Quỹ Đầu tư Bất động sản Techcom Việt Nam (là quỹ thuộc quản lý của Techcom Capital – một trong 3 thành viên góp vốn vào SkyViet).
Qua đó có thể thấy ngoài Vietnam Airlines, bên góp vốn còn lại của SkyViet là các công ty con hoặc có liên quan tới Techcombank, điều này cũng phản ánh sự gắn kết giữa hai đơn vị, đặc biệt kể từ khi Techcombank trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines, khi mua vào 25,76 triệu cổ phần HVN trong đợt IPO cuối năm 2014.
Tuy nhiên một loạt diễn biến cho thấy mối quan hệ giữa hai bên đang “lỏng” dần thời gian gần đây. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Techcombank đã bán gần như toàn bộ số lượng cổ phiếu HVN đang sở hữu.
Về quan hệ tín dụng, Techcombank từ chỗ là một trong những nhà tài trợ vốn lớn nhất cho Vietnam Airlines, hiện đang liên tục giảm dư nợ cho vay đối với hãng hàng không này. Số dư vay nợ ngắn hạn của Techcombank đối với Vietnam Airlines giảm từ 731 tỷ đồng cuối tháng 3/2015 về 0 đồng cuối năm 2016. Vay dài hạn bằng USD cũng giảm hơn 400 tỷ đồng về còn 1.076 tỷ đồng. Có nghĩa rằng Techcombank đã giảm hơn một nửa tín dụng dành cho Vietnam Airlines, trong khi đó tổng vay nợ của Vietnam Airlines tăng tới 33% trong cùng khoảng thời gian trên.
Đối với Techcomdeveloper, cuối tháng 11/2016, doanh nghiệp này chuyển chủ sở hữu từ CTCP Thảo Điền sang CTCP Đầu tư TCO Việt Nam, để rồi vài tháng sau, ngày 6/2/2017, Techcomdeveloper quyết định giải thể và sáp nhập vào TCO.
Công ty TCO cũng là một pháp nhân từng liên quan tới Techcombank khi có vốn của nhà băng này tại đây, song Techcombank đã thoái hết 6% cổ phần vào cuối tháng 5/2016. Và chuỗi sự kiện sau đấy như đã biết, hai cổ đông ngoài Vietnam Airlines đề xuất cho giải thể hoặc bán lại cổ phần ở SkyViet, gần như chấm dứt tương lai của hãng hàng không mới hơn một năm tuổi này.
Báo cáo Chính phủ, Tổng bí thư Cuối tháng 6/2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiểm tra, làm rõ phản ánh của báo chí liên quan đến việc VietNam Airlines chuyển VASCO thành công ty cổ phần và góp vốn để thành lập SkyViet, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2016. Tới cuối tháng 5/2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp tục yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo lại toàn bộ quá trình thực hiện đề án thành lập, cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, giấy phép kinh doanh hàng không chung cho SkyViet để xem xét có chủ trương thực hiện tiếp hay không. Bộ Giao thông vận tải cũng được giao có báo cáo Văn phòng Tổng bí thư về đề án này trong tháng 5/2017. |
Nghi Điền