Người dân ở quốc gia thành viên NATO và EU Slovakia vào ngày 23/3 tới sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn người đứng đầu đất nước trong 5 năm tới. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ thay thế Tổng thống đương nhiệm Zuzana Caputova, người đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử.
Cuộc bỏ phiếu nhiều khả năng sẽ là cuộc đọ sức giữa đại diện của liên minh cầm quyền do Thủ tướng Robert Fico – có lập trường thân Nga và phản đối viện trợ cho Ukraine – đứng đầu và các ứng cử viên độc lập gần gũi hơn với phe đối lập cấp tiến.
Chủ tịch Quốc hội Slovakia Peter Pellegrini hồi đầu tuần trước đã ấn định cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra ở quốc gia Trung Âu vào ngày 23/3, và vòng 2 (runoff) sẽ được tổ chức vào ngày 6/4 nếu không ứng viên nào giành được đa số tuyệt đối trong vòng 1. Vòng runoff sẽ là cuộc đua giữa 2 ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất ở vòng 1.
Ông Pellegrini, người đồng thời là lãnh đạo Đảng Hlas (Tiếng nói) trung tả trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy Robert Fico, đã tuyên bố ra tranh cử. Một khi ông Pellegrini, 48 tuổi, giành chiến thắng trong cuộc đua, quyền lực của liên minh sẽ được củng cố đáng kể.
“Nếu ban lãnh đạo đảng đồng ý đề cử tôi và tất cả các yêu cầu đều được đáp ứng, tôi sẽ công bố việc ứng cử của mình vào ngày 19/1”, ông Pellegrini cho biết sau khi công bố ngày bầu cử tại một cuộc họp báo.
Ngoài ứng cử viên Pellegrini từ cánh tả, đã xuất hiện những đối thủ chính tiềm năng cho cuộc chạy đua. Đầu tiên là ông Ivan Korcok, 59 tuổi – người từng giữ chức Ngoại trưởng trong chính phủ tiền nhiệm. Ông Korcok có khả năng thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đảng đối lập, bao gồm Đảng Cấp tiến Slovakia (PS) theo chủ nghĩa tự do và thân phương Tây.
Đảng PS, vốn giả định rằng ông Pellegrini sẽ là ứng cử viên Tổng thống, đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử Tổng thống Slovakia sắp tới là quan trọng đối với đất nước, và lập luận rằng liên minh cầm quyền hiện tại không được chiếm giữ tất cả các vị trí chính trị hàng đầu trong nước.
Ứng cử viên thứ hai là ông Jan Kubis, 71 tuổi – một nhà ngoại giao quốc tế, từng phục vụ với tư cách Ngoại trưởng trong chính phủ do Thủ tướng Fico dẫn dắt trước đây.
Ngoài ra, lãnh đạo đảng cực hữu SNS của Slovakia, Andrej Danko, đã bày tỏ ý định tham gia cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Trong một cuộc tranh luận chính trị trên đài truyền hình công cộng RTVS hôm 15/1, ông Danko, 50 tuổi, cũng cho biết thêm rằng nếu không có đủ sự ủng hộ, ông sẽ hợp lực với một ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc khác, đề cập đến cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Stefan Harabin, người đã tuyên bố ý định ứng cử.
Đảng SNS của ông Danko cũng nằm trong liên minh cầm quyền do Đảng Dân chủ Xã hội (SMER) cánh tả dân túy của ông Fico dẫn dắt. SMER và Hlas chỉ có tổng cộng 69 ghế trong Quốc hội Slovakia gồm 150 ghế, nên phải dựa vào 10 ghế của Đảng SNS để thông qua các biện pháp lập pháp sâu rộng được đưa ra kể từ tháng 11 năm ngoái.
Theo một cuộc thăm dò vào tháng 12 năm ngoái, ông Pellegrini, bản thân là cựu Thủ tướng, được cho là nhà lãnh đạo chính trị đáng tin cậy nhất ở Slovakia, và ông có nhiều khả năng giành chiến thắng nếu ra tranh cử.
Ở Slovakia, Tổng thống không nắm giữ nhiều quyền lực trong việc điều hành đất nước hàng ngày, nhưng Nguyên thủ Quốc gia có thể làm chậm quá trình ban hành luật bằng cách sử dụng quyền phủ quyết hoặc chuyển sang Tòa án Hiến pháp để đặt câu hỏi về tính hợp hiến của các luật đã được thông qua.
Đây là chiến thuật mà Tổng thống Caputova đã sử dụng để kiềm chế các chính phủ trước đây và hiện tại. Tổng thống Slovakia được bầu với nhiệm kỳ 5 năm và có thể tranh cử 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Nhưng hồi tháng 6 năm ngoái bà Caputova đã tuyên bố không tái tranh cử.
Ở Slovakia, quốc gia có dân số 5,5 triệu người, một ứng cử viên Tổng thống cần có sự ủng hộ của ít nhất 15 nhà lập pháp hoặc thu thập được chữ ký của ít nhất 15.000 công dân, như ông Korcok và ông Kubis đã làm, để tham gia cuộc đua.
Minh Đức (Theo bne IntelliNews, Reuters, Balkan Insight)