Nhiều tỉnh, thành cho học sinh trở lại trường học trực tiếp
Trong bối cảnh dịch bệnh đã phần nào đã được kiểm soát, mở cửa lại trường học đang là ưu tiên cao nhất hiện nay không chỉ với Việt Nam mà là chọn lựa của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, bà Trần Lưu Hoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tỷ lệ giáo viên và học sinh mắc Covid-19 giảm mạnh. Theo đó Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các đơn vị trường học tổ chức dạy và học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh và giáo viên.
Khi học sinh đi học trực tiếp, các đơn vị, trường học thường xuyên cập nhật thông tin, quy định về công tác phòng, chống dịch trong nhà trường của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và các văn bản hướng dẫn của thành phố; bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, kịp thời, chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường cho học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12, đặc biệt quan tâm đến học sinh khối lớp 9, lớp 12 và báo cáo UBND các quận, huyện, thị xã xem xét, phê duyệt theo quy định.
Sở GD&ĐT Hà Nội, lãnh đạo các Phòng GD&ĐT cho biết sẽ chỉ đạo các trường THCS cho học sinh các khối lớp 7,8,9 đi học trở lại trong tuần tới, gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Tỉnh Tuyên Quang sau khi hết các xã có dịch cấp độ 4 (vùng đỏ), từ 21/3 địa phương này cũng cho học sinh các lớp 7, 8, 9, 10, 11 và 12, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục học trực tiếp, trực tuyến linh hoạt theo phương án của sở GD&ĐT. Trẻ em cấp mầm non tiếp tục nghỉ học. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học trực tuyến.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng vừa đồng ý chủ trương về việc tổ chức thực hiện phương án dạy học từ ngày 21/3 của sở GD&ĐT với cấp tiểu học, THCS. Theo đó, học sinh 2 cấp này đi học trực tiếp từ ngày 21/3. Trường tổ chức dạy học một ca vào buổi sáng.
Các trường phải chuẩn bị điều kiện đảm bảo an toàn trong phòng chống, dịch Covid-19 để đón học sinh trở lại trường học trực tiếp. Sở nhấn mạnh không tổ chức dạy thêm, học thêm vào buổi chiều với các lớp 6, 7, 8. Các trường xây dựng kế hoạch bổ trợ, ôn tập trực tiếp cho học sinh lớp 9 vào các buổi chiều, bắt đầu thực hiện từ ngày 23/3.
Cũng như Bắc Ninh, Hà Giang sẽ cho học sinh trở lại trường từ ngày 21/3. Cụ thể, học sinh phổ thông cấp tiểu học, THCS, THPT, học viên, sinh viên thuộc các cơ sở giáo dục công lập, tư thục trên địa bàn tỉnh học trực tiếp. Riêng trẻ mầm non ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang tiếp tục nghỉ học đến khi có thông báo mới.
Theo Zing, tại Đắk Lắk, nhằm chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng cho học sinh cuối cấp tham gia các kỳ thi tuyển sinh cuối năm học 2021-2022, học sinh lớp 9 và lớp 12 trên toàn tỉnh sẽ đi học trực tiếp tại trường từ ngày 21/3.
Trong khi đó, ở Nghệ An, sở GD&ĐT dự kiến tổ chức cho học sinh ở các bậc học trở lại đi học trực tiếp từ ngày 4/4 sau thời gian dạy học trực tuyến cục bộ do dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng.
Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT Tp.HCM vừa có văn bản gửi các Phòng GD&ĐT Tp.Thủ Đức, 21 quận huyện và các cơ sở giáo dục trực thuộc về việc không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, ngoại khóa bên ngoài nhà trường cho học sinh, sinh viên cho đến khi có thông báo mới.
Sở GD&ĐT đề nghị thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm chính trong công tác đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, công tác phòng chống dịch theo quy định khi tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khóa trong nhà trường.
Để thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa nâng cao chất lượng giáo dục, ngay từ đầu năm học, các nhà trường đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên dọn vệ sinh trường, lớp học; phối hợp với các cơ sở y tế phun khử khuẩn môi trường. Cùng với chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, các nhà trường đã chủ động tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch như: Chậu rửa tay, xà phòng, nước sát khuẩn, khẩu trang, nhiệt kế điện tử…. đồng thời chủ động triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.
Chủ động an toàn phong tránh dịch Covid-19 khi học sinh đến trường
Dưới đây là một số khuyến cáo phòng ngừa mắc Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM và Hệ thống Y tế Mayo Clinic, Mỹ:
Đeo khẩu trang: Phụ huynh cần đeo khẩu trang cho bản thân và cho trẻ khi đưa con đến trường, từ trường về nhà, hoặc khi tham gia giao thông công cộng.
Làm sạch và khử trùng: Nhà trường cần khử khuẩn bề mặt tiếp xúc trước và sau khi học sinh đến - về; đảm bảo phòng học đủ thoáng mát, tốt nhất là thông khí tự nhiên; bổ sung kiến thức cơ bản về dịch bệnh và nâng cao ý thức của học sinh.
Việc làm sạch và khử trùng các bề mặt tiếp xúc có thể giúp giảm nguy cơ lây bệnh. Chú ý các nơi thường xuyên chạm tay vào như tay nắm cửa, mặt bàn, vòi nước, tay vịn cầu thang...
Cho trẻ tiêm vắc-xin khi đến lượt: Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt vắc-xin Comirnaty của Pfizer-BioNTech và Spikevax của Moderna, tiêm cho trẻ 12-17 tuổi, tức từ lớp 7 đến lớp 12.
Các nghiên cứu cho thấy vắc-xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa Covid-19 ở trẻ em từ 12 đến 15 tuổi, hiệu quả 91% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng ở người từ 16 tuổi trở lên. Tiêm vắc-xin Covid-19 có thể giúp trẻ an toàn hơn khi đến trường và tham gia các hoạt động vui chơi.
Nghiêm chỉnh thực hiện giữ khoảng cách an toàn: Nhắc nhở trẻ về việc hạn chế tụ tập. Có thể tạo lối đi một chiều tại hành lang trường học, sử dụng thêm không gian ngoài trời để trẻ giải lao, ăn uống... Không nên sử dụng điều hòa; mở cửa sổ, bật quạt.
Vệ sinh sạch sẽ: Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi đến trường, sau khi ra chơi - nghỉ giữa giờ, khi từ trường về nhà, khi thấy tay bẩn và khi cần thiết. Che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi. Không được khạc, nhổ, vứt rác hoặc khẩu trang bừa bãi. Không dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc, bình nước, khăn mặt... Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Nghỉ ở nhà nếu ốm: Không đưa trẻ đến trường nếu cha mẹ đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc đang có các biểu hiện sốt, ho, khó thở. Đo nhiệt độ và theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ tại nhà; nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì chủ động cho trẻ nghỉ học và thông báo cho nhà trường, cơ sở y tế.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng: Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy (Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM cơ sở 3) chia sẻ trên Vnexpress, phụ huynh cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và duy trì tập luyện thể dục nhẹ nhàng cho trẻ để nâng cao đề kháng. Chế độ ăn đầy đủ vitamin C, chất xơ, đạm và bổ sung nước đầy đủ. Ăn uống đúng giờ, ngủ đủ giấc và duy trì các thói quen vệ sinh đúng cách khi ở trường và về nhà, đảm bảo sức khỏe để trẻ học tập đạt hiệu quả tốt nhất trong thời kỳ bình thường mới.
Quy trình xử lý khi có người F0 tại trường học
Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ an toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh; tiếp tục cách ly tạm thời F0; thông báo cho trạm y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch...
Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SpO2 dưới 96% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị Covid-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu.
Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: tư vấn, hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định.
Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người).
Các lớp học khác hoạt động bình thường.
Bước 4: Theo dõi F1 tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học với F0 và đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
F1 đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ liều hoặc đã khỏi bệnh Covid-19: được đi học và làm việc bình thường nhưng tuân thủ 5K, xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.
F1 chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng có yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền: cách ly tại nhà theo quy định, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và trạm y tế địa phương nơi cư trú; xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng.
Đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ:
Nếu có 1 ca dương tính với Covid-19 thì cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.
Sở Y tế lưu ý nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau thì tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô như sau:
Hai lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng.
Hai lớp ở khác tầng, cùng khối nhà thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà.
Hai lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì chỉ xử lý theo lớp học.
Trúc Chi (tổng hợp)