Theo Reuters, trong 7 ngày qua, châu Âu chứng kiến số ca mắc mới tăng 6% so với một tuần trước đó, tức gần 1,8 triệu trường hợp. Tỉ lệ tử vong cùng kỳ tăng 12%.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, báo cáo 33.949 ca nhiễm mới hôm 4/11. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất của Đức kể từ đầu đại dịch đến nay. Số ca nhiễm ở Nga và Ukraine cũng đang tăng mạnh.
Trong khi đó, Slovakia ghi nhận 6.713 ca nhiễm mới trong ngày, cũng là mức kỷ lục với nước này. Hungary có thêm 6.268 bệnh nhân Covid-19 hôm 4/11, mức tăng gấp đôi so với trung bình của tuần trước. Ba Lan, nền kinh tế lớn nhất Đông Âu, có 15.515 ca nhiễm được phát hiện hôm 4/11, mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 4 tại quốc gia này.
Tại Áo, số ca nhiễm hằng ngày gần chạm mốc kỷ lục được thiết lập cách đây 1 năm và giới chức nước này có thể tái ban bố các biện pháp hạn chế, kể cả với người đã tiêm chủng. Cả Croatia và Slovenia đều ghi nhận các mức tăng cao kỷ lục hôm 4/11.
Số ca mắc mới tăng cao, tập trung ở nhiều nước Đông Âu, chủ yếu do tỉ lệ tiêm vắc-xin ở một số nước còn thấp cùng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế. Điều này khiến các cơ quan quản lý và WHO bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng".
"Tốc độ lây nhiễm trên khắp 53 quốc gia của khu vực châu Âu là điều gây "lo ngại nghiêm trọng", Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge nói, đồng thời khẳng định biến thể Delta khiến tốc độ lây nhiễm gia tăng. Tình hình có thể trở nên phức tạp hơn trong những tháng mùa đông, khi mọi người ở trong nhà nhiều hơn.
Ông Kluge trước đó từng cảnh báo, với đà này, châu Âu có thể ghi nhận 500.000 ca tử vong vì Covid-19 đến tháng 2/2022. "Chúng ta phải thay đổi chiến thuật, từ phản ứng với các đợt bùng dịch đến ngăn chặn chúng từ đầu", ông Kluge nói.
Tuần qua, chính phủ Hungary, Romania, Cộng hòa Czech và Ba Lan phải tái áp đặt các biện pháp giới hạn đi lại trước kỳ nghỉ lễ mùa đông, cùng việc khuyến khích người dân tích cực đi tiêm vắc-xin hơn.
Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, Zing)