Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 biên chế thì 44 người mang chức danh trưởng, phó phòng. Hiện tượng này đang khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề “lạm phát” người quản lý tại đơn vị công này.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội (ĐB) Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai).
- Sở LĐ,TB-XH tỉnh Hải Dương có 46 biên chế thì chỉ có 2 nhân viên, còn lại 44 người đều có chức sắc. Ông đánh giá ra sao về vấn đề cán bộ đang diễn ra tại đây?
Trường hợp này giống như người ta vẫn thường hay nói “nhiều thầy ít thợ”. Đó là một kim tự tháp ngược, phản ánh một sự bất hợp lý trong đời sống xã hội. Vấn đề này cho thấy, nói cho cùng là ngân sách Nhà nước không được sử dụng hợp lý. Một anh công chức thực chất là người của bộ máy Nhà nước sử dụng tiền của dân. Rõ ràng, nhìn vào đây, người ta chỉ thấy khoản chi tiêu thông qua lương bổng, chế độ chính sách mà không thấy được hiệu quả cụ thể ra sao.
Điều đó cho thấy, đôi khi mục tiêu chúng ta đặt ra việc cần thiết là giảm biên chế nhưng sẽ chỉ là hình thức. Chúng ta sẽ giảm được số người đi nhưng người được dựa vào lương bổng của Nhà nước sẽ tận dụng tối đa là một hiện tượng đang diễn ra. Điều đó phải được xem xét.
- Không chỉ có số lượng quản lý “khủng”, có người được tuyển dụng công chức sau 3 tháng đã lên cấp phó. Liệu việc này có đúng, thưa ông?
Đó là hiện tượng không bình thường. Với trường hợp này, đó là người tài năng đột xuất chăng hay là có mối quan hệ khác nhau nên được “đặc cách” bất thường như vậy. Tôi nghĩ không loại trừ khả năng có chuyện mà chúng ta đã nói công khai là có không chuyện “mua quan bán chức” xảy ra.
Theo tôi, cơ quan chức năng phải làm đến cùng, rõ ràng câu chuyện bất thường xảy ra ở Sở này. Tất cả để làm sao cho bộ máy vận hành hợp lý, hiệu quả.
- Vị Giám đốc sở LĐ,TB- XH tỉnh Hải Dương có trả lời báo chí là việc này tồn tại từ thời lãnh đạo trước, mới nhận nhiệm vụ nên đang làm tờ trình, xin ý để giải quyết?
Tôi nghĩ việc này cần phải thanh tra việc này. Kể cả lãnh đạo có liên quan mà nghỉ hưu rồi cũng phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm cán bộ như vậy.
Chúng ta đã từng thấy hiện tượng xảy ra ở không ít nơi là các vị sắp hết nhiệm kỳ tận dụng quyền lực của mình để đề bạt. Có thể lý do được đưa ra là để tăng cường hiệu quả bộ máy nhân sự. Nhưng ai cũng có thể nhận ra đó là việc “mua quan bán chức”. Người ta thu lợi từ việc đó.
- Tình trạng này diễn ra từ lâu, vậy việc giám sát hoạt động của Sở này dường như không hiệu quả? Vậy trách nhiệm thuộc về ai thưa ông?
Tôi cho quan trọng nhất, bộ Nội vụ phải chịu trách nhiệm về việc này. Bộ Nội vụ là quản lý Nhà nước, phải giám sát bộ máy ở dưới. Trong chừng mực nào đó, các cơ quan dân cử HĐND tỉnh, ĐBQH của tỉnh phải chịu trách nhiệm giám sát việc này làm sao để tình trạng xảy ra lâu như vậy.
Chúng ta đang nói rất nhiều đến “quy trình”. Quy trình thì rất đúng quy trình nhưng hiệu quả lại ngược lại. Quy trình do con người tạo ra và quan trọng nhất là thiếu sự giám sát.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm