Sở có 44 sếp, 2 nhân viên: Đúng quy trình thì không nên bất bình

Sở có 44 sếp, 2 nhân viên: Đúng quy trình thì không nên bất bình

Trịnh Thị Bảo Trang

Trịnh Thị Bảo Trang

Thứ 6, 21/10/2016 12:05

Việc sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hải Dương có 44/46 biên chế trưởng, phó phòng theo đúng quy trình khiến nhiều người bất bình. Nhưng...

Có lẽ câu chuyện của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hải Dương là một minh chứng rõ nét cho việc người Việt chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những ám ảnh của xã hội phong kiến.

Sự ám ảnh nặng nề đó được thể hiện ở quan điểm “Một rừng không thể có hai hổ". Soi chiếu sang sự việc hiện tại, quan điểm đó có đôi phần thay đổi nhưng về căn bản, vẫn giữ nguyên những tư tưởng cốt lõi: Một Sở không thể có 44 cán bộ quản lý, một phòng chức năng không thể có vài phó phòng.

Được biết, nhân sự của Sở có 46 người được vào biên chế. Và 44/46 người đó nắm giữ những chức danh quản lý như trưởng phòng, phó phòng. Chỉ có 2 nhân sự là nhân viên bình thường.

Nắm bắt được thông tin trên, một số đơn vị báo chí đã đưa tin và khá thành công với thói quen dẫn bóng tư duy độc giả. Nhiều “nhà đạo đức học”, “xã hội học” được phen bất bình, những con người bất mãn thời cuộc được thể mỉa mai, bóng gió.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng nếu việc bổ nhiệm biên chế cán bộ quản lý đúng quy trình (với một quy trình đúng) thì chẳng việc gì chúng ta phải bất bình cả.

Thứ nhất, cần nhấn mạnh rằng con số đã thống kê chỉ dựa trên những người đã vào biên chế chứ không phải dựa trên tất cả nhân sự ở Sở. Điều đó đồng nghĩa với việc các bạn nói rằng cả Sở chỉ có 2 nhân viên là sai sự thật. Và đó cũng là một minh chứng cho việc những độc giả hiện tại quá dễ dãi trong việc đọc và lọc thông tin. 

Thứ hai, theo “luật bất thành văn”, hai chữ “biên chế” là mơ ước của biết bao người lao động. Để chạm vào hai chữ “biên chế” đó, rất nhiều người đã phải lao tâm khổ tứ, trau dồi kĩ năng, chuyên môn lẫn kinh nghiệm làm việc để có thể “thi vào biên chế”.

Dĩ nhiên, những người luôn biết phấn đấu hay có năng lực đáp ứng đủ (thừa) yêu cầu mà nhà nước nói chung, cơ quan hành chính sự nghiệp nói riêng đặt ra cho một viên chức thì họ không những có cơ hội vào biên chế mà con đường quan lộ còn sáng lạn, thênh thang hơn nữa.

“Biên chế” chính là điều kiện cần cho "cái ghế" lãnh đạo. Cũng giống như việc muốn là học sinh giỏi quốc gia, trước tiên bạn phải vào được đội tuyển đã. 

Vậy, chúng ta có gì phải lăn tăn khi hầu hết những người đã vào biên chế đều làm lãnh đạo?

Xi nhan Trái Phải - Sở có 44 sếp, 2 nhân viên: Đúng quy trình thì không nên bất bình

 Trụ sở Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hải Dương.

Thứ ba, nhiều người thắc mắc tại sao một phòng lại có đến vài phó phòng và cho rằng đó là một sự sắp xếp kệch cỡm, hư danh.

Tuy nhiên, ngay từ khi còn nhỏ, chẳng phải chúng ta đã quá quen với việc có nhiều hơn một “phó” trong một đơn vị tập thể hay sao? Một lớp học chỉ có một lớp trưởng nhưng lại phải có ít nhất hai lớp phó: Lớp phó học tập và lớp phó văn thể, thậm chí có những lớp còn có cả lớp phó lao động... Mỗi người sẽ phụ trách một mảng việc “chuyên môn” của mình và hỗ trợ thêm cho công việc quản lý chung của lớp trưởng.

Công việc hành chính văn phòng cũng thế thôi. Mỗi phòng có một trưởng phòng và vài phó phòng là điều dễ hiểu. Khi chúng ta chưa biết đặc thù công việc của họ thế nào thì tốt nhất đừng nên phán xét. Bởi lời nói cũng là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá sự nhỏ nhen, ích kỉ và ấu trĩ của một con người.

Tóm lại, khi chưa hiểu thì đừng nên phát biểu!

Bảo Trang

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.