Sợ công nghệ “nhạy cảm” bị dùng sai, Nhật Bản tính tăng cường kiểm soát xuất khẩu

Sợ công nghệ “nhạy cảm” bị dùng sai, Nhật Bản tính tăng cường kiểm soát xuất khẩu

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 2, 13/11/2023 15:12

Môi trường an ninh đang thay đổi khiến các chính phủ phải đánh giá lại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là đối với các công nghệ lưỡng dụng.

Chính phủ Nhật Bản đang xem xét tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ tiên tiến có thể dùng cho mục đích quân sự, trang Nikkei Asia đưa tin.

Theo Nikkei Asia, động thái trên có thể là phản ứng của Chính phủ Nhật Bản trước một báo cáo gần đây cho rằng công nghệ máy công cụ tiên tiến của Nhật Bản đang được sử dụng cho chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản thuộc hàng nghiêm ngặt nhất trên thế giới, tuy nhiên, rất khó để các nhà xuất khẩu kiểm tra đầy đủ mọi bộ phận có trong máy công cụ – cần để hoàn thiện các bộ phận và khuôn mẫu phức tạp. 

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các công ty đang làm những gì họ cần làm để ngăn chặn việc sử dụng các công nghệ lưỡng dụng cho mục đích quân sự”, đại diện Cục Quản lý Thương mại thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết.

“Chúng tôi đang tính đánh giá lại các chương trình được thực hiện theo Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương, bao gồm kiểm soát xuất khẩu, phù hợp với môi trường an ninh quốc tế mới”.

Trước đó, Nikkei Asia cho biết trong một phóng sự điều tra gần đây của mình rằng các công nghệ dân sự tiên tiến của Nhật Bản và phương Tây đang được áp dụng như thế nào để phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Việc châu Âu, Mỹ và Nhật Bản thắt chặt xuất khẩu các công nghệ quan trọng sang Trung Quốc đã không ngăn được việc các công nghệ tiên tiến bị rò rỉ ra ngoài.

Giáo sư Heigo Sato của Đại học Takushoku, chuyên gia về kiểm soát xuất khẩu, giải thích rằng rất khó để ngăn chặn hoàn toàn tình trạng “chảy máu” công nghệ, nhưng các công ty cần trì hoãn việc tiếp cận các công nghệ quan trọng càng nhiều càng tốt.

Thế giới - Sợ công nghệ “nhạy cảm” bị dùng sai, Nhật Bản tính tăng cường kiểm soát xuất khẩu

Nhật Bản từ lâu được coi là quốc gia dẫn đầu về máy công cụ với nhiều cơ sở hoạt động toàn cầu hàng đầu trong ngành có trụ sở chính tại "xứ sở mặt trời mọc", như Yamazaki Mazak, Okuma, DMG MORI, JTEKT, và Komatsu. Ảnh: Direct Industry

Một ủy ban cố vấn của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về vấn đề này vào ngày 1/11. Mục đích là tăng cường hiệu quả của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn việc chuyển hướng ứng dụng công nghệ vào quân sự trong bối cảnh phạm vi công nghệ lưỡng dụng ngày càng được mở rộng.

“Việc đánh giá chương trình kiểm soát xuất khẩu và đánh giá lại các quy định là quan trọng đối với Nhật Bản – quốc gia sở hữu các công nghệ nhạy cảm, tiên tiến”, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết trong một cuộc họp báo hôm 11/11.

Nhật Bản đã yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với một số máy công cụ và các quy định xuất khẩu nghiêm ngặt đang được áp dụng. Nhưng khi các phương thức nhập khẩu hàng hóa ngày càng trở nên phức tạp, nguy cơ các công nghệ và hàng hóa quan trọng bị chuyển sang sử dụng cho mục đích quân sự ngày càng rõ rệt.

Giống như các quốc gia khác, Nhật Bản có quyền kiểm soát việc xuất khẩu các công nghệ có thể sử dụng trong sản xuất vũ khí. Bước sàng lọc trước là bắt buộc, và các nhà xuất khẩu phải xác nhận dự định sử dụng các công nghệ đó và người dùng cuối.

Ở phương Tây, môi trường an ninh đang thay đổi và sự phát triển công nghệ nhanh chóng đã khiến các chính phủ phải đánh giá lại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Những bước đi như vậy nhằm vào các công nghệ mới có thể được chuyển hướng sử dụng cho mục đích quân sự.

Giáo sư Sato của Đại học Takushoku khuyến nghị rằng Nhật Bản nên tìm đồng minh để tăng cường hợp tác về kiểm soát xuất khẩu.

Các thành viên của Đảng Dân chủ Tự (LDP) do cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã kêu gọi thắt chặt các quy định xuất khẩu.

“Đầu tiên, chính phủ phải nắm bắt tình hình thực tế”, một quan chức cấp cao của LDP cho biết. “Chúng ta cần tăng cường mạng lưới tình báo con người bên cạnh việc khai thác thông tin công cộng”.

Minh Đức (Theo Nikkei Asia, The China Brief)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.