Chiều 25/8, UBND Tp. Hồ Chí Minh, ban Tuyên giáo Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức họp báo cung cấp tình hình về công tác chống dịch tại Tp. Hồ Chí Minh.
Trước phản ánh của người dân về việc giá bán các combo thực phẩm của các siêu thị ở mức khá cao, đắt đỏ thì đại diện sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã đưa ra giải thích.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, hệ thống phân phối trực tiếp cung ứng hàng hóa cho người dân chủ yếu là các hệ thống phân phối hiện đại có tham gia chương trình bình ổn thị trường và đã được kiểm soát về giá.
Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị như Saigon Co.op, Big C, Go!, Lotte Mart, Aeon, Emart, Satra, Bách Hóa Xanh, GS 25,… đều có năng lực phân phối lớn, chuỗi cửa hàng có thương hiệu.
Doanh nghiệp có sự cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh nên việc tự ý tăng giá sẽ rất khó xảy ra khi phải cạnh tranh đối với các đối thủ. Do đó, giá cả hàng hóa tăng bất thường là gần như không có.
“Người dân cho rằng giá combo cao thực chất là giá của combo đó còn cao so với thu nhập của người dân. Vì vậy, chúng tôi đề nghị với các siêu thị tổ chức đa dạng hơn các combo với giá từ 100-500.000 đồng để phục vụ cho nhu cầu của mỗi hộ gia đình khác nhau”, ông Phương nhận định.
Tuy nhiên, việc thống nhất cùng 1 loại combo thực phẩm cho tất cả siêu thị là không thể vì mỗi hệ thống phân phối có nhà cung ứng khác nhau, các nguồn hàng khác nhau.
Từ ngày 23/8, tất cả hoạt động mua bán hàng hóa, lương thực thực phẩm của người dân Tp.Hồ Chí Minh đã được các cơ quan địa phương hỗ trợ thực hiện.
Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sẽ dừng hoạt động bán hàng trực tiếp và thiết lập các đơn bán hàng theo combo, giao qua lực lượng chức năng của các phường, xã.
Nhiều hệ thống bán lẻ cho biết đã thiết kế các combo hàng thiết yếu với từng mức giá cụ thể và gửi đến cơ quan chức năng địa phương để thông tin đến người dân.
Danh sách các combo hàng hóa được thiết kế dựa trên nhu cầu cơ bản của người dân, bảo đảm đầy đủ thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, nhu yếu phẩm... sử dụng trong 2 tuần.
Tại Satra, các siêu thị lớn như Satramart siêu thị sài Gòn, siêu thị Phạm Hùng... đã hoàn thành mẫu 6 combo thực phẩm khác nhau để giới thiệu đến khách hàng. Các combo có giá trung bình khoảng 300.000 đồng đa dạng mặt hàng từ trứng, rau, hành ngò đến thịt gà, thịt bò, heo...
Chẳng hạn, combo 1 có giá 307.000 đồng gồm trứng vịt, thịt heo đùi, thịt xay heo, rau muống, rau dền, bí đao, hành lá, ngò rí, ớt hiểm, đậu cove trắng, chanh không hạt, chuối, khoai lang. Combo 6 có giá 283.400 đồng gồm nước mắm, dầu ăn, nước tương, cá hộp, bột ngọt, gạo, đường.
Trong khi đó, siêu thị Aeon xây dựng 4 combo với mức giá từ 450.000-500.000 đồng. Combo 500.000 đồng bao gồm xương ống, ba rọi heo, thịt vai, cá lóc, khoai lang, dưa leo, cà chua, chanh không hạt, rau muống, cải ngọt, cải bẹ xanh, xà lách. Mỗi loại khoảng 0,5-1 kg.
Hệ thống siêu thị GO!, Big C, Topsmarket cũng đã chuẩn bị nhiều loại combo khác nhau, theo nhóm dinh dưỡng, vitamin, rau, củ thịt cá... với nhiều mức giá khác nhau.
Combo dinh dưỡng bao gồm rau củ, thịt, cá có giá trị từ 300.000 đến 1 triệu đồng. Còn combo vitamin bao gồm các loại trái cây có giá 60.000 -120.000 đồng.
Lotte Mart cũng có 8 combo hàng tươi sống và nhu yếu phẩm khoảng 100.000- 561.000 đồng. Combo rau củ gồm 3 combo 100.000, 200.000 và 250.000 đồng bao gồm khoai tây, cà rốt, bí, bắp cải, cà chua, cải ngọt...
Bên cạnh đó, combo thịt cá, trứng gồm 2 loại là 150.000 và 300.000 đồng. Combo nhu yếu phẩm gồm 3 combo 305.000, 467.000 và 561.000 đồng.
Hiện, Tp.Hồ Chí Minh có 2.302 kênh phân phối gồm 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn, 502 điểm tạp hóa, chợ (chủ yếu ở Cần Giờ).
Video: Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh giải thích về việc người dân phản ánh siêu thị bán combo thực phẩm với giá cao.