Phương án chấm bài
Ngày 11/6, liên quan đến việc đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường trung học phổ thông (THPT) chuyên Hùng Vương năm học 2024-2025 được cho là dẫn sai ngữ liệu làm khó học sinh, ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi nhận thông tin, Sở đã triệu tập các giáo viên trong tổ ra đề của môn thi này xác minh, làm rõ vấn đề mà dư luận phản ánh.
Qua rà soát các khâu của quá trình xây dựng đề thi, tổ ra đề cho biết đã mắc sai sót ở khâu sử dụng ngữ liệu.
Cụ thể, tổ đã sử dụng ngữ liệu được trích dẫn từ bài tham luận của nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu trong hội thảo “Thơ Đông Á trong thời đại toàn cầu hóa” tại Manhea (Hàn Quốc).
Ở khâu soạn thảo, giáo viên ra đề đã trích dẫn sai cụm từ “lúa vàng, gạo trắng” trong nguyên tác thành cụm từ “lúa gạo, vàng trắng” như đề thi. Trong khâu phản biện, giáo viên phản biện đề thi cũng đã mắc lỗi đọc theo “tư duy quán tính” nên không phát hiện ra lỗi sai trật tự của các từ trong phần trích dẫn đề thi.
Về tác động của lỗi sai trong đề thi, ông Long cho biết, tổ ra đề thi đã rà soát lại đáp án và hướng dẫn chấm bài thi theo từng phần điểm nhỏ.
Qua đó, xác định sai sót nêu trên ảnh hưởng đến khoảng 0,5 điểm so với tổng điểm 10 của toàn bài thi nói chung (chiếm 5%) và 0,5 điểm/5 điểm của toàn câu hỏi nói riêng (chiếm 10%).
Ông Long khẳng định, với tỷ lệ này, đề thi vẫn đảm bảo tương đối các yêu cầu cho việc phân loại, lựa chọn thí sinh trúng tuyển và không phải tổ chức thi lại đối với môn thi này.
Đối với sai sót về ngữ liệu trong đề thi, Sở đã chỉ đạo Hội đồng Chấm thi tổ chức cho tổ chấm môn Ngữ văn thảo luận tập thể để thống nhất phương án chấm, sao cho đảm bảo tính công bằng, khách quan, nhất là quyền lợi của thí sinh và lựa chọn được những thí sinh có năng lực tốt nhất vào học các lớp chuyên Ngữ văn.
“Tổ ra đề thi môn Ngữ văn đã nhận trách nhiệm về sai sót trên. Chủ tịch Hội đồng ra đề thi cũng chưa đảm bảo quán xuyến tất cả các khâu trong quá trình ra đề. Đối với sai sót này, Hội đồng thi Sở sẽ căn cứ theo quy định tại Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ngày 28/2/2023 của Bộ GD&ĐT về việc thi tuyển sinh đầu cấp đối với Trường THPT chuyên Hùng Vương để xử lý. Sở cũng sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để đảm bảo thực hiện tốt hơn trong những lần tổ chức sau”, ông Long khẳng định.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cũng mong muốn phụ huynh học sinh và các thí sinh dự thi yên tâm vì số điểm ảnh hưởng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ; đồng thời nên theo dõi, nắm bắt thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống để đảm bảo tính chính xác, tránh bị “nhiễu” thông tin.
Đề sai ngữ liệu
Trước đó, ngày 8/6, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) hơn 1.300 thí sinh trong toàn tỉnh bước vào ngày thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Hùng Vương năm học 2024-2025. Tuy nhiên, sau môn thi Ngữ văn (buổi sáng), có nhiều ý kiến phản ánh đề thi dẫn sai ngữ liệu.
Cụ thể, ở phần II (làm văn, 7 điểm), câu 2 (5 điểm) có nội dung: “Thơ ca không làm ra lúa gạo, vàng trắng nhưng thơ ca làm ra giấc mơ cho người gieo trồng. Chỉ có giấc mơ thiêng liêng và lộng lẫy mới giúp con người đi qua được bóng tối của dục vọng và tội lỗi, tìm đến đồng loại để chia sẻ và dâng hiến những vẻ đẹp của khát vọng sống cho mọi con người".
(Nguyễn Quang Thiều – “Thông điệp về cái đẹp và tự do" – Tham luận đọc tại hội thảo "Thơ Đông Á trong thời đại toàn cầu hóa" tại Manhea, Hàn Quốc). Em hiểu nhận định trên như thế nào? Qua một số tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn 9, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Nhiều ý kiến cho rằng đề thi đã dẫn sai ngữ liệu, làm khó học sinh.
Chia sẻ với PV, nhà thơ Văn Công Hùng (ngụ thành phố Pleiku) đánh giá, câu hỏi trong đề môn Văn thi vào lớp 10 đã dẫn sai ngữ liệu. Trong một câu hỏi có đến 2 lỗi, trong khi câu này chiếm 5 điểm trong đề thi.
Cụ thể, nguyên văn câu trên là: "Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng". Thế nhưng đề thi lại sai ngữ liệu từ “lúa vàng, gạo trắng” thành “lúa gạo, vàng trắng”.
Đề sai ngữ liệu mà bắt học sinh chứng minh cho từ “vàng trắng” thì bắt buộc học sinh phải “gồng mình” để lập luận cho câu nói trên. Trong khi việc ra đề thi rất chặt chẽ, nếu dẫn nguồn dữ liệu thì phải được kiểm tra kỹ.
Theo nhà thơ Văn Công Hùng, người ra đề chọn ngữ liệu chưa phù hợp, chưa hay, làm cho học sinh hiểu nhầm là lời của tác giả.
Thay vì cùng ngữ liệu đó, người ra đề nên trích nguyên văn đầy đủ hơn lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì sẽ không gây hiểu nhầm về “nguồn gốc, xuất xứ” của câu nói, học sinh sẽ hiểu đúng.
Theo đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương, trường chỉ tiếp nhận học sinh chứ không tham gia vào công tác ra đề. Đồng thời, nhận thấy trong đề thi sáng nay ở câu 2 có bị sai về trật tự từ "lúa vàng, gạo trắng".
Kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm học 2024-2025 vào Trường THPT chuyên Hùng Vương có chỉ tiêu tuyển sinh của trường 455 học sinh với 13 lớp chuyên. Kỳ thi có 1.325 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó, nguyện vọng 1 có 1.325 hồ sơ, nguyện vọng 2 có 794 hồ sơ; riêng môn Ngữ văn có 177 hồ sơ dự thi, sẽ tiếp nhận 70 học sinh chuyên văn).