Sổ hộ khẩu “kêu oan” sau đề xuất “đi vắng 12 tháng” bị gạch tên

Sổ hộ khẩu “kêu oan” sau đề xuất “đi vắng 12 tháng” bị gạch tên

Dương Thu

Dương Thu

Thứ 3, 03/03/2020 07:22

Bộ Công an đang đề xuất xóa khỏi hộ khẩu với những người “đi vắng 12 tháng”, bỗng Khẩu tôi bị soi xét và thành ra “nên tội nên tình”.

Tôi “ngoi” lên đây không phải để thanh minh về sự có mặt của mình trong đời sống xã hội bấy lâu nay, bởi  là một phương thức quản lý nhân khẩu của quốc gia, tôi lấy làm hãnh diện khi đã “sống” cùng dân tộc gần 60 mùa xuân.

Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới phối hợp với viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng nhiều chuyên gia đã khẳng định, sự hiện diện đầu tiên của tôi được ghi nhận trong một văn bản pháp lý của quốc gia bắt đầu năm 1957 với Thông tư 495TTg nhằm hạn chế sự di chuyển của người dân từ các vùng nông thôn đến các thành phố Hà Nội và Hải Phòng.

Sau đó, hệ thống “đại gia đình” Khẩu tôi được áp dụng chính thức từ năm 1964 theo Nghị định 104-CP.

Hiến pháp Việt Nam năm 1960 đã tuyên bố “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do cư trú và đi lại”.

Các Hiến pháp sửa đổi sau này vào các năm 1980, 1992, và 2013 cũng có những quy định đảm bảo tương tự.

Từ đó đến nay, đã gần 60 năm trôi qua, tôi thực hiện nghiêm túc, trọn vẹn phận sự của mình là giúp tăng cường việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ lợi ích của nhân dân, để giúp vào việc thống kê dân số các vùng trong nước nhằm phục vụ việc xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch của Nhà nước.

Dẫu trải bao thăng trầm của thời gian, được sửa đổi với nhiều quy định, nghị định khiến hình hài có chút đổi thay, nhưng đến nay tôi vẫn sừng sững trong hệ thống pháp luật của đất nước như một biểu tượng cho việc quản lý xã hội là hộ gia đình, tập thể do một chủ hộ chịu trách nhiệm.

Thư không gửi - Sổ hộ khẩu “kêu oan” sau đề xuất “đi vắng 12 tháng” bị gạch tên

Đề xuất "đi vắng 12 tháng" bị xóa tên khỏi sổ hộ khẩu để quản lý dân cư tốt hơn đang khiến dư luận xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều. Nguồn ảnh: Intetnet.

Tôi được “thông hành” là nhờ cơ quan công an “cộp dấu”. Khi sinh ra, con được nhập vào tôi theo cha mẹ của chúng.

Tầm quan trọng của tôi, không cần nói thêm thì mọi người cũng đã tự biết: Tôi can dự và chi phối hầu hết các hoạt động và quyền lợi của một công dân thực thụ như: Phân chia ruộng đất, nhà ở, lương thực, thực phẩm, việc làm, giấy tờ, tiêu chuẩn điện nước, trường học;

Khi thay đổi chỗ ở, người dân phải gọi tên tôi;

Muốn nhập cư vào một địa phương nào đó, người dân cũng bắt buộc phải chào đón tôi.

Đó là sự thượng tôn pháp luật cần thiết.

Vậy mà mấy ngày nay, dư luận rần rần gọi tên tôi bằng những xúc cảm không thiện lành. Người nóng tính thì không giấu sự phẫn nộ, hét lên mà rằng: “Thời đại 4.0 đến nơi rồi, hộ khẩu để làm gì không biết. Rườm rà, vô dụng”.

Người hiểu biết thì từ tốn: “Phải cân nhắc kỹ chuyện được mất nếu đề xuất được đồng ý thành văn bản, nếu không sẽ thành nhiêu khê, gây phiền hà, rắc rối, lại thêm thủ tục “hành là chính””.

Có người lại chậc lưỡi lườm nguýt và bảo: “Hộ khẩu chỉ là thứ quá lạc hậu, bỏ đi cho kịp thời đại”.

Còn có người nhiều chuyện thì “đe” rằng, cẩn thận mấy cán bộ công an vẫn phải ôm đồm mà việc không trôi.

Số là, làn sóng dư luận căng thẳng xuất phát từ việc lần đầu tiên, bộ Công an nêu đề xuất ai vắng mặt tại địa phương 12 tháng liên tục và không khai báo với cơ quan quản lý sẽ bị xoá tên trong hộ khẩu tại dự thảo luật Cư trú 2020 để lấy ý kiến xây dựng.

Vẫn biết rằng, dự thảo nêu những ý tưởng, giải pháp để quản lý cư dân cho tốt hơn. Thế nhưng, dù thế nào, tôi cũng mong cả một tập thể bàn bạc chắp bút cần có những sáng kiến mang tính khả thi khi áp dụng thực tế.

Xin đừng – dù chỉ là thai nghén một ý tưởng mà một người người dân bình thường với hiểu biết có hạn mới nghe đã nhìn thấy ngay được sự phiền hà, rắc rối mà mình có thể gặp phải, kiểu như đi làm ăn xa 1 năm về nhà thì bị cắt khẩu, muốn nhận được thừa kế của cha mẹ để lại trước khi “nhắm mắt xuôi tay” thì lại phải lục tục đi khai báo đủ thứ giấy tờ để nhập khẩu thêm một lần nữa. Cha mẹ già “như chuối chín cây”, có ai chờ đợi được con đủ giấy tờ để mà giao lại những thương yêu dành dụm một đời người; hay những người dân lao động tự do theo công trình nay đây mai đó, phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nhân thuê mình làm việc trong thời gian không cố định, không lẽ cứ bị cắt khẩu rồi lại tìm về nhập khẩu?

Đấy là chưa kể lo ngại, cán bộ công an giải quyết các thủ tục cắt khẩu, nhập khẩu trong trường hợp này rồi cũng bị quay như chong chóng. Bởi trên thực tế, để cắt khẩu, một người dân phải xin đủ các giấy chứng nhận, xác thực từ nơi cư trú cho đến nơi thường trú. Cán bộ công an phụ trách việc này phải làm thận trọng, tỉ mỉ, khách quan, công tâm.

Còn thủ tục nhập khẩu thì lại phức tạp thêm một số lần, từ khâu khai phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu, các giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp hiện nay...

Đồng ý cái gì mới thường gặp không ít sóng gió và chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với khó khăn mới mong khai phá để chạm đến chân lý và đỉnh vinh quang. Thế nhưng tôi đâu có làm nên tội nên tình gì mà nhận những lời “tổng sỉ vả” như thế? Có trách mắng gì, có “định tội”, xin hãy gọi thẳng tên những thứ bất cập, nhiêu khê, nhũng nhiễu, hành dân. Gọi đúng tên, bắt đúng bệnh để trị một cách hiệu quả nhất.

Tôi tình nguyện “phẫu thuật thẩm mỹ”, thậm chí là “lột xác” nếu như có một “hình hài” thật sự ưng ý, giúp cho các cơ quan công quyền và đặc biệt là người dân được thuận lợi trong các công việc hằng ngày.

Khẩu tôi chỉ mong không bị gọi tên một cách chua chát, kèm theo những cái thở dài ngao ngán!

Kính bút: Sổ hộ khẩu!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.