Lộ trình giảm thuế này đang tạo hai luồng không khí trái ngược trong thị trường ô tô, đó là người tiêu dùng thì háo hức mong chờ, ngược lại các DN, nhà sản xuất ô tô lại đang đối diện với nhiều lo lắng.
Niềm vui của người tiêu dùng
Cụ thể, theo lộ trình gia nhập AFTA được Bộ Công thương đưa ra bàn luận, trong năm 2014, mức thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 là 10% và 2018 chỉ còn 0%.
Nhìn vào lộ trình gia nhập AFTA, các chuyên gia trong ngành dự đoán, chỉ 5 năm nữa thôi, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được sử dụng xe ô tô giá rẻ. Bởi đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô về 0%, một thị trường ô tô sôi động đã và đang được báo trước, nhưng phần lớn thị trường sẽ chủ yếu bị chiếm lĩnh bởi xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.
Mới đây thôi, hồi đầu năm 2013, khi thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước khu vực ASEAN vào Việt Nam giảm thêm 10% (từ 70% xuống 60%), người ta đã chứng kiến sự thâm nhập thị trường Việt Nam của hàng loạt các hãng ô tô đến từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia…Và dường như, dự báo được lộ trình giảm thuế nên các thương hiệu ô tô đang gấp rút đầu tư xây dựng hệ thống phân phối, nhằm chực chờ cơ hội năm 2018 không còn quá xa, khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN còn 0%.
Người dân sẽ có cơ hội sở hữu những chiếc ô tô giá rẻ. Ảnh minh họa
Thông tin về việc giảm thuế nhập khẩu ô tô có lẽ được người tiêu dùng Việt Nam đón chờ hơn cả. Bởi từ lâu, người tiêu dùng trong nước đã trông chờ một tương lai họ sẽ được sở hữu những chiếc "xế hộp” giá rẻ, phù hợp với đồng lương, mức sống của hầu hết các cán bộ, công chức. Song, những mong chờ đó hầu như chưa được đáp lại, bởi với mức thuế, phí quá cao nên giá ô tô ở Việt Nam luôn ở mức cao chót vót.
Được biết, cùng với lộ trình giảm thuế nhập khẩu, Bộ Công thương cũng xây dựng phương án ưu đãi các nhà sản xuất trong nước bằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế trước bạ. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô dưới 10 chỗ được đề xuất giảm 50%, lệ phí trước bạ đăng ký lần đầu cũng giảm 50%. Nếu phương án này đi vào hiện thực thì thuế tiêu thụ đặc biệt của ô tô dưới 10 chỗ sẽ còn 22,5-30% và thuế đăng ký trước bạ sẽ còn 5-7%.
Theo các chuyên gia trong ngành, nếu các lộ trình giảm thuế nói trên được thực hiện cùng thời điểm thì giá ô tô tại Việt Nam sẽ giảm mạnh là điều đã được nhìn thấy.
Nỗi lo của nhà sản xuất
Tuy nhiên, trái ngược với tâm lý mong đợi của người tiêu dùng, các DN, nhà sản xuất ô tô trong nước lại đang đối diện với nhiều nỗi lo. Khi mà, cùng với những ưu đãi mà Nhà nước dành cho DN sản xuất trong nước, thì với ưu đãi về thuế nhập khẩu sẽ giảm dần theo lộ trình, một cuộc cạnh tranh "không cân sức” giữa ô tô nhập khẩu và ô tô nội địa sẽ diễn ra. Nhiều DN sản xuất ô tô nhận định, chỉ cần thuế nhập khẩu giảm 50% thì giá nhiều mẫu xe nhập khẩu sẽ bằng với xe lắp ráp trong nước. Và như vậy, khi thuế nhập khẩu chỉ còn 0%, điều gì sẽ xảy ra với tương lai của các nhà sản xuất ô tô trong nước?
Còn nhớ, hồi năm 2010, khi rộ lên tin đồn thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã sẽ về mức 0% vào năm 2012, thị trường ô tô trong nước đã chứng kiến những phản ứng khá sốc của các nhà sản xuất ô tô trong nước. Thời điểm đó, nhiều DN ô tô lo lắng sẽ phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh nổi với xe nhập khẩu. Cũng rất may là bản dự thảo đã chưa được thông qua lúc bấy giờ. Và thời gian để các nhà sản xuất ô tô trong nước chuẩn bị về nhân lực, vật lực, đổi mới vẫn còn ở phía trước.
Giới chuyên gia cho rằng, khi đã hội nhập, chúng ta phải tuân thủ các quy tắc của việc hội nhập quốc tế, bởi vậy, các DN không nên chỉ trông chờ vào các chính sách bảo hộ từ phía Nhà nước mà phải nỗ lực trong việc đổi mới sản xuất, đẩy mạnh đầu tư để đưa ra những dòng xe phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh. Có như vậy, mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam mới có cơ hội để trở thành hiện thực.
Theo Duy Phương (Báo Đại Đoàn Kết)