Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, nước Mỹ trở nên báo động bởi các vụ nổ súng chỉ vì nạn nhân vô tình nhấn chuông nhầm nhà, lái xe đi nhầm đường và suýt vào nhầm xe ô tô. Vốn các vụ xả súng không phải là vấn đề xa lạ ở trên đất Mỹ, tuy nhiên các trường hợp bắn nhầm gần đây đã khiến dư luận ở nước này phẫn nộ, thậm chí nhiều cuộc biểu tình liên quan tới việc kiểm soát súng đạn.
Vấn nạn “bắn trước rồi hỏi sau”
Vào khoảng 10 giờ tối 13/4 (giờ địa phương), chàng thiếu niên da màu Ralph Yarl, 16 tuổi, đang đi đón những đứa em của mình tại Tp.Kansas, bang Missouri. Tuy nhiên, anh Yarl đã nhấn chuông nhầm một ngôi nhà ở địa chỉ 115 Street thay vì số 115 Terrace. Sau đó, một người đàn ông ở độ tuổi khoảng 84 tuổi mở cửa và lập tức móc súng ra bắn hai phát vào cậu thiếu niên này. Rất may anh Yarl đã kịp thời đưa đi bệnh viện và sống sót kỳ diệu.
Hai ngày sau đó, tại vùng nông thôn ngoại ô Tp.New York, một cô gái trẻ tên là Kaylin Gillis, 20 tuổi, đã bị bắn chết sau khi cô cùng ba người bạn khác lái xe đi nhầm đường và vô tình xâm phạm lối vào của nhà nghi phạm.
Tương tự, vào ngày 18/4 ở ngoại ô Tp.Austin, bang Texas, 2 hoạt náo viên tên Heather Roth và Payton Washington đã bị bắn sau khi mở nhầm cửa xe ô tô vì tưởng đó là xe của mình.
Ba vụ việc trên xảy ra vào ban đêm và những tay súng chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị. Tuy nhiên, vụ việc cũng làm dấy lên tranh luận về luật tự vệ “Stand your ground” (tạm dịch là giữ vững vị trí) cho phép người có súng đáp trả khi bị cảm thấy đe dọa tính mạng. Bên cạnh đó, trong cả ba trường hợp, nghi phạm thay vì hỏi "vì sao bạn lại tới đây” thì họ lại chọn bóp cò để “chào đón vị khách đi lạc".
Một xã hội chia rẽ
Thông thường, những thảm kịch liên quan tới súng đạn như trên sẽ tạo ra một làn sóng phẫn nộ bên trong lòng xã hội nước Mỹ. Những cuộc biểu tình kêu gọi chính quyền kiểm soát súng chặt chẽ hơn cũng như kêu gọi luật pháp nghiêm khắc hơn để bảo vệ những người vô tội khỏi các tay súng. Đồng thời, vụ việc cũng đặt ra những câu hỏi về động cơ phân biệt chủng tộc đằng sau các vụ bắn súng - vấn đề thường gây chia rẽ nước Mỹ nhiều nhất.
Các chuyên gia và những người ủng hộ quyền sử dụng súng đạn nói rằng có một số yếu tố đằng sau các vụ xả súng. Lý do lớn nhất là thái độ ngày càng phân cực về quyền sở hữu và sử dụng súng cũng như số lượng súng được sở hữu ở Mỹ trong lòng xã hội nước Mỹ.
Giáo sư Howard Henderson thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tư pháp tại Đại học bang Tennessee nhận định có một sự “mất kết nối to lớn” giữa một bên là xã hội kêu gọi cải cách luật súng đạn và một bên là "các cơ quan chính trị không sẵn sàng thực hiện những thay đổi đó".
Ông Henderson cho biết gần như mọi cuộc khảo sát lớn ở Mỹ đều nói rằng người Mỹ muốn luật súng đạn nghiêm ngặt hơn, nhưng “vấn đề là các chính trị gia dường như không muốn thay đổi để thông qua luật súng đạn có ý nghĩa” vì không ai muốn tỏ ra chống lại các nhóm vận động hành lang có quyền lực cao như Hiệp hội súng trường Mỹ (NRA) và các tổ chức ủng hộ quyền sử dụng súng khác. Bên cạnh đó, tòa án cũng do dự thực hiện bất kỳ hành động cải cách luật súng nào.
Quốc gia của súng đạn
Theo một tính toán của Đại học Harvard và các trường đại học ở miền Đông Bắc nước Mỹ, tỉ lệ sở hữu súng đạn ở nước này hiện nay là 120 khẩu súng/100 người, tương đương 1,2 khẩu súng/người. Khoảng một nửa số lượng súng tư nhân tập trung vào bộ phận dân số trưởng thành ở nước Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã ước tính có ít nhất 393 triệu khẩu súng ở Mỹ, nhiều hơn cả dân số của nước này.
Trong khi đó, một khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành vào năm 2017 cho biết, khoảng 3 trong số 10 người trưởng thành nói rằng họ sở hữu một khẩu súng và 4 trong số 10 người nói rằng trong nhà họ có súng.
Đáng chú ý, trong xã hội nước Mỹ có những nhóm sở hữu nhiều súng hơn các nhóm khác. Tiêu biểu, gần một nửa đàn ông da trắng trong cuộc khảo sát của Pew nói trên cho biết họ có sở hữu súng, trong khi dưới 25% phụ nữ da trắng và đàn ông da màu nói họ có súng. Con số này ở phụ nữ da màu chỉ là 16%.
Một thống kê mới đây cho thấy chỉ trong vòng 111 ngày đầu tiên của năm 2023, nước Mỹ đã ghi nhận 17 vụ xả súng hàng loạt, cướp đi mạng sống của 88 con người. Điều này gợi nhớ về năm 2009, thời điểm nước Mỹ mới chứng kiến tỉ lệ người chết kỷ lục trong các vụ xả súng như vậy. Con số kỷ lục này, vốn chỉ mới trải qua hơn ba tháng đầu năm, là một hồi chuông đáng báo động khi so sánh với số liệu kiểm đếm cho tổng số các vụ xả súng trong một năm kể từ khi dữ liệu về các vụ xả súng được thu thập.
Bất chấp những vụ bắn nhầm người dân vô tội trên và tình trạng bạo lực súng đạn vẫn kéo dài dai dẳng, một số bang ở Mỹ vẫn tìm cách mở rộng quyền cho người dân sở hữu súng đạn. Ông Dudley Brown - Chủ tịch Hiệp hội Quốc gia về Quyền sử dụng súng, một tổ chức vận động chính sách có trụ sở tại bang Colorado - chỉ ra rằng chính quyền bang Florida đã bỏ các yêu cầu người dân phải mang súng giấu kín tại hầu hết các nơi công cộng.
Trong khi đó, các nhà lập pháp bang Nebraska thông qua dự luật cho phép mang súng giấu kín trong bang mà không cần giấy phép nào. Còn ủy ban Hạ viện Colorado bỏ phiếu bác bỏ dự luật cấm vũ khí tấn công.
Vĩnh Khang (CNN, AP, USD Today)