Nhiều nội dung chưa được nêu cụ thể
Mới đây, chia sẻ với PV Người Đưa Tin, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp cho rằng, đại diện các trường có hỏi ông về vấn đề liên quan đấu thầu trong trường học để áp dụng năm học mới. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào từ cơ quan chức năng.
"Vấn đề tôi thắc mắc trong các cuộc họp rất cụ thể là: Nguồn cung cấp thực phẩm bếp ăn bán trú và việc cung cấp các chương trình nhà trường hiện nay theo quy định Luật Đấu thầu mới nhất có phải đấu thầu hay không. Đến nay vẫn chưa được làm rõ cụ thể", ông Thanh nói thêm.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng nhân dân Tp.HCM. (Ảnh: Nguyễn Lành).
Đại diện một trường tiểu học trên địa bàn Tp.HCM cho rằng, việc áp dụng Luật Đấu thầu mới nhất vào các chương trình trong trường học, nếu phải đấu thầu thì các trường phải làm từ sớm và có nguồn ngân sách để thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản nào cụ thể từ các sở, ngành, quận, huyện…
Đang vướng khó khăn xác định "nguồn thu hợp pháp"
Trả lời Người Đưa Tin về vấn đề đấu thầu trong trường học, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cho biết, Sở chưa nhận được yêu cầu đề nghị hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo hay các trường học liên quan đến các quy định của pháp luật về đấu thầu đối với dự toán mua sắm của trường học. Do đó, Sở chưa có văn bản hướng dẫn nào liên quan.
Về việc áp dụng quy định của Luật Đấu thầu đối với các hoạt động giáo dục, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, trường học là đơn vị sự nghiệp công lập.
Vì vậy, dự án đầu tư, dự toán mua sắm của trường học sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật và các công việc khác phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật có liên quan và phải áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu 2023.

Các chương trình học trong nhà trường phải đấu thầu theo quy định mới. (Ảnh minh họa: Nguyễn Lành).
Về lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí của cơ sở giáo dục, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, qua rà soát, Sở nhận thấy pháp luật về đấu thầu chưa định nghĩa hoặc quy định nguyên tắc cụ thể để xác định nguồn thu nào là nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong khi đó, việc xác định các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập có phải là "nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật" hay không có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó quyết định việc đơn vị sự nghiệp công lập có phải áp dụng Luật Đấu thầu trong công tác thực hiện dự án đầu tư, dự toán mua sắm của đơn vị.
Việc xác định các nguồn thu hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải trên cơ sở đối chiếu, rà soát với các văn bản pháp luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn của các bộ ngành có liên quan (ví dụ như các khoản thu của các trường học sẽ liên quan đến các quy định của ngành giáo dục, các khoản thu của các bệnh viện sẽ liên quan đến các quy định của ngành y tế…), không thuộc chuyên môn của ngành kế hoạch và đầu tư.
Do đó, để đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến sử dụng nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo sự cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong việc sử dụng các khoản thu của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Tp.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND Tp.HCM xem xét một số nội dung.
Các nội dung này gồm: Giao các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Tp.HCM thực hiện đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu; rà soát các khoản thu, đối chiếu với các quy định pháp luật có liên quan để xác định các khoản thu tại đơn vị có phải là nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật hay không.
Từ đó, quyết định áp dụng Luật Đấu thầu trong công tác thực hiện dự án đầu tư, dự toán mua sắm của đơn vị. Trong trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định tính chất của nguồn thu, đơn vị có trách nhiệm đề nghị các sở chuyên ngành hướng dẫn.