Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) có diện tích 27.108 ha, nằm trên ranh giới các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô của huyện Phú Lộc - nơi có Vịnh Lăng Cô, một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Mới đây, đại diện tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có cuộc tiếp xúc với Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh (Trung Quốc) đến để tìm hiểu cơ hội đầu tư nhằm xây dựng nhà máy sản xuất kẽm ở khu vực này.
Vậy một nhà máy sản xuất kẽm nếu mọc sát ở "khu thiên đường" vịnh đẹp Lăng Cô liệu có phù hợp?
Trước hết, nhắc đến Huế là nhắc đến một thành phố du lịch, với một "ngành công nghiệp không khói" đã đóng góp một lượng không nhỏ ngân sách cho tỉnh này. Không chỉ sở hữu những giá trị di sản vật thể và phi vật thể của thế giới, Huế còn có những danh lam thắng cảnh hiếm “nơi nào có được”. Trong đó, Vịnh biển Lăng Cô là một món quà vô cùng quý giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng nơi đây.
Vịnh Lăng Cô mang trong mình một bãi tắm biển với dải cát phẳng lỳ, dòng nước trong xanh; hệ thống đầm phá đẹp mê hồn và hệ sinh vật biển rất phong phú, đa dạng.
Lăng Cô nằm trên con đường di sản miền Trung, điểm đến của sự kết nối các di sản thế giới tại khu vực Trung Bộ. Trên con đường huyền thoại và đầy dấu ấn ấy, Lăng Cô hiện lên một cách lộng lẫy, thu hút lượng lớn du khách từ trong và ngoài nước đổ về hằng năm.
Còn khi nói tới một nhà máy sản xuất kẽm, quy trình, công nghệ mà các doanh nghiệp Việt Nam và trên thế giới hiện nay thường sử dụng để tạo ra kẽm (hàm lượng 99,99%) là công nghệ điện phân.
Trước hết, tinh quặng kẽm sunfua (10% - 40% kẽm) sau khi đã ổn định thành phần hóa học và cỡ hạt được đưa vào lò thiêu để khử lưu huỳnh. Sản phẩm sau thiêu trong lò sẽ được tiến hành làm nguội và vận chuyển đến phân xưởng hòa tách để tạo ra một dung dịch. Dung dịch này sau khi được làm sạch sẽ tiến hành điện phân để thu hồi kẽm và tạo thành thỏi kẽm.
Trong quá trình sản xuất ấy, một lượng khí, nước ở khâu thiêu đốt, bóc tách sẽ được sản sinh và nếu xử lý không tốt, để thải ra môi trường thì lượng nước, khí ấy sẽ vô cùng độc hại.
Còn nhớ, ở Thái Nguyên, người dân phường Bách Quang, thị xã Sông Công từng phải điêu đứng vì một nhà máy kẽm điện phân ở đây hằng ngày thải ra môi trường những hóa chất kịch độc.
Thông tin trên báo Lao Động cho biết, trước những ẩn họa môi trường chết người đó, năm 2013, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành đo, kiểm tra chất lượng không khí xung quanh nhà máy kẽm điện phân này. Trong đó, biên bản đo kiểm tra ngày 8/7/2013 cho thấy, không khí xung quanh nhà máy bị ô nhiễm nghiêm trọng - một số chỉ tiêu hóa học có trong không khí có thể gây chết người luôn vượt quá quy chuẩn. Cụ thể: Chỉ tiêu H2S trong không khí xung quanh vượt từ 31,4 lần đến 61,6 lần cho phép; chỉ tiêu SO2 trong không khí vượt từ 1,1 đến 7,1 lần; chỉ tiêu HCL trong không khí vượt từ 1,2 đến 11,07.
Tiếp đó, ngày 19/7/2013, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã tổ chức lấy mẫu và phân tích mẫu nước từ nhà máy nước điện phân thải ra để đánh giá mức độ ô nhiễm. Kết quả phân tích cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng chỉ tiêu chất thải nguy hại, đặc biệt nghiêm trọng là chỉ tiêu cadimi (Cd) vượt 2.615 lần so với quy chuẩn quốc gia; chì (Pb) vượt 62 lần...
Bài học về việc một nhà máy sản xuất kẽm gây ô nhiễm môi trường ở Thái Nguyên nói trên chắc chắn sẽ là kinh nghiệm quý báu cho Thừa Thiên - Huế khi xem xét, cân nhắc việc cho phép một doanh nghiệp sản xuất kẽm khác đang có ý định đặt nhà máy tại đây.
Sự lo lắng của dư luận về việc một nhà máy sản xuất kẽm mọc lên cạnh những bãi biển đẹp của tỉnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch biển là hoàn toàn có cơ sở.
Đừng để khi sự đã đành, chúng ta mới giá như… Bởi mới đây thôi, khi sự cố môi trường biển xảy ra ở các tỉnh miền Trung, một giám đốc đối ngoại của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thủ phạm gây nên sự cố trên từng phát biểu đại ý: “Chọn thép hay tôm cá?”. Câu hỏi trần trụi ấy đã khiến dư luận phẫn nộ và đau đầu trong việc tìm ra câu trả lời suốt một thời gian dài.
Nếu một nhà máy sản xuất kẽm đặt ở gần Vịnh Lăng Cô, bản thân là một người dân sống ở Huế, tôi cũng sợ lắm lỡ sau này có ai đó hỏi kiểu như: “Chọn kẽm hay vịnh đẹp?”.
Nói thêm một chút, trước đây, trong quá trình xem xét việc phê duyệt một nhà đầu tư Thái Lan nghiên cứu xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá tại vùng ven biển phía bắc tỉnh, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trả lời với báo Tuổi Trẻ rằng, vùng biển từ Thuận An trở vào Lăng Cô dứt khoát không cho bất cứ dự án công nghiệp nặng nào vào đây.
Ông Cao cũng cho hay, tỉnh từng từ chối các nhà đầu tư muốn đặt nhà máy luyện thép, đóng tàu, lọc dầu và nhiệt điện ở vùng biển Chân Mây - Lăng Cô.
Biết rằng, động thái của Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh hiện tại mới chỉ là bước đầu nhưng tôi và người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tin chắc những lãnh đạo có tâm và tầm của tỉnh sẽ cân nhắc, xem xét các vấn đề, câu hỏi nảy sinh về mức độ ảnh hưởng môi trường của dự án trong tương lai. Và trong đó, câu hỏi: “Chọn kẽm hay vịnh đẹp?” chắc chắn các vị sẽ không thể bỏ qua.
Lê Kông
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả