Theo dữ liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT), số ứng dụng trên các cửa hàng ứng dụng smartphone tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 2,78 triệu vào tháng 10/2021 từ mức 4,52 triệu vào cuối năm 2018, tương đương mức giảm 38.5%.
Việc tổng số ứng dụng giảm có thể là một dấu hiệu của quá trình trưởng thành của thị trường ứng dụng Trung Quốc. Mạng xã hội WeChat của Tencent đã thống trị phân khúc này tại Trung Quốc trong nhiều năm với khoảng 1,2 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn cầu.
Leon Sun Qiyuan, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu đầu tư EqualOcean, cho rằng thị trường dịch vụ online với 1 tỷ người dùng tại Trung Quốc không còn là mảnh đất màu mỡ để những người chơi mới thỏa sức tranh phần sau nhiều năm phát triển.
Môi trường quản lý chặt chẽ và khó khăn hơn cũng đóng góp vào việc số ứng dụng smartphone tại Trung Quốc giảm đáng kể. Trong năm 2019, khoảng 850.000 ứng dụng đã bị gỡ bỏ tại Trung Quốc khi chính phủ quốc gia này khởi động chương trình kéo dài 12 tháng nhằm xóa bỏ hành vi thu thập dữ liệu cá nhân bất thường. Chiến dịch được thực hiện với sự phối hợp của MIIT, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), Bộ Công an và Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) và là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đánh giá toàn diện ứng dụng smartphone.
Số ứng dụng giảm trong năm 2020 thấp hơn 2019, nhưng kể từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2021 670.000 ứng dụng đã biến mất khỏi các cửa hàng tại Trung Quốc. Riềng chỉ trong tháng 7/2021, 220.000 ứng dụng đã bị gỡ bỏ. Kèm theo đà sụt giảm này, các nhà phát triển ứng dụng cũng liên tục được yêu cầu phải “chỉnh lý” lại các vấn đề như phương pháp thu thập dữ liệu từ người dùng.
Giống như nhiều quốc gia khác, game là nhóm ứng dụng chiếm tỉ trọng lớn nhất tại Trung Quốc - khoảng 25% số ứng dụng trên các cửa hàng là game. Thị trường game vẫn duy trì sức cạnh tranh mạnh với việc các game mới đua nhau giành lấy sự chú ý từ phía người chơi.
Tuy vậy, số ứng dụng game tại Trung Quốc đã giảm từ 909.000 vào tháng 12/2019 xuống 679.000 vào tháng 10/2021. Trong khi đó, số game trên App Store tại Mỹ đã tăng từ mức gần 820.000 trong tháng 12/2018 lên hơn 1 triệu vào tháng 12/2021, theo dữ liệu do Pocket Gamer tổng hợp.
Giới quản lý Trung Quốc đã không cấp phép cho ứng dụng game online mới nào kể từ tháng 7 vừa qua. Vào tháng 8, Cơ quan Báo chí và Xuất bản Quốc gia (NPPA) đã giới hạn thời gian chơi game cho người dưới 18 tuổi về khoảng thời gian 20h đến 21h vào thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày nghỉ lễ - biện pháp được coi là nghiêm ngặt nhất tại quốc gia này nhằm ngăn chặn hiện tượng nghiện game ở giới trẻ.
Xu thế tăng cường quản lý ứng dụng tại Trung Quốc trong năm nay chủ yếu tập trung vào những hành vi như thu thập dữ liệu cá nhân mà không được người dùng đồng thuận, yêu cầu quyền truy cập quá mức trên các thiết bị, và chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba không phép. Đi kèm với đó là hai văn bản luật quy định chặt chẽ hơn về những nội dung này, bao gồm Luật An ninh dữ liệu (hiệu lực từ tháng 9/2021) và Luật Bảo vệ Thông tin cá nhân (hiệu lực từ tháng 11/2021).
Về hành động cụ thể, MIIT thường xuyên nêu tên và chỉ trích các ứng dụng thu thập dữ liệu bất thường. Tháng trước, MIIT cũng đã yêu cầu Tencent dừng cập nhật và phát hành ứng dụng mới mà không được chấp thuận trước. Tencent mới chỉ được cập nhật 9 ứng dụng vào tuần trước. CAC cũng đã yêu cầu các cửa hàng gỡ bỏ nhiều ứng dụng của công ty dịch vụ gọi xe Didi Chuxing 2 tuần sau khi công ty này “ngoan cố” IPO tại New York, đi ngược lại cảnh báo từ giới chức Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc chính phủ tăng cường quản lý cũng chỉ là một trong số nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường. Một số đại tập đoàn công nghệ đã chuyển các ứng dụng dẫn đầu của mình thành nền tảng chứa nhiều ứng dụng nhỏ hơn, khiến người dùng không cần phải tải xuống từng ứng dụng riêng lẻ. Theo công ty nghiên cứu Alading, WeChat của Tencent chứa khoảng 3,8 triệu “vi ứng dụng” vào cuối năm 2020, trong khi Alipay của Ant Group cũng chứa hơn 3 triệu vi ứng dụng vào tháng 5/2021.
Theo các nhà phân tích, số lượng ứng dụng smartphone tại Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm hơn, cho đến khi những công nghệ như 5G và vũ trụ ảo (metaverse) mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà phát triển ứng dụng.
Tùng Phong (Theo SCMP)