Sợ mất tướng, vua Trần cản trở tình duyên của Yết Kiêu

Sợ mất tướng, vua Trần cản trở tình duyên của Yết Kiêu

Thứ 5, 18/07/2013 15:51

Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, con ông Phạm Hữu Hiệu, người thôn Hạ Bì và bà Vũ Thị Duyên, người huyện Thanh Hà.

Cha làm nghề chài lưới bên sông Quát, mẹ bán hàng nước ở bến đò. Cuộc sống bần hàn của một gia đình ngư dân nghèo khó và sớm mồ côi cha đã khiến Phạm Hữu Thế rất vất vả, phải chài lưới, cào hến giúp mẹ kiếm ăn ngay từ nhỏ. Cuộc sống trên sông nước đã khiến ông bơi lội rất giỏi.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai và lần ba, Phạm Hữu Thế với tài bơi lội "nhập thuỷ như phúc bình địa hỹ" (đi dưới nước ung dung, tự tại như trên đất bằng) đã lập nhiều công lao lớn, được vua ban danh hiệu Trần triều đệ nhất đô soái thuỷ quân. Ông đã được nhân dân và vua quan nhà Trần gọi là Yết Kiêu (tên một loài cá lớn ngày xưa). Nhiệm vụ của Yết Kiêu là tìm cách đục thuyền của giặc trong đêm. Khi màn đêm buông xuống, Yết Kiêu tìm cách vượt qua hàng lính bảo vệ thuyền giặc rồi nhẹ nhàng đục thuyền giặc. Mỗi thuyền phải đục khoảng trên 20 lỗ, đục được lỗ nào lại phải dùng giẻ đã cuộn tròn và buộc dây đút lút lại. Những cuộn giẻ ấy đều được buộc lại với nhau bằng một sợi dây...

Sau kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Bảng nhãn Lê Đỗ được triều Trần cử sang Nguyên triều đi sứ, mong nối lại hoà khí với nước mạnh hơn mình mà mang lại hoà bình cho nhân dân đất Việt. Yết Kiêu vốn là võ tướng thuỷ quân được cử làm tướng hộ vệ Lê Đỗ. Trong lần đi sứ ấy, vua Nguyên rất mến mộ tài năng của Yết Kiêu liền tỏ ý muốn gả công chúa Nguyên triều vốn rất xinh đẹp cho ông. Ông liền từ chối khéo và thưa rằng để trở về tâu xin vua Đại Việt, nếu vua Đại Việt đồng ý thì sẽ xin sang Nguyên triều làm lễ cưới.

Trở về đất nước, vua quan triều Trần lo lắng sẽ mất một viên tướng tài giỏi nên không đồng ý. Công chúa Nguyên triều đợi mãi không thấy Yết Kiêu sang thì xin vua cha cho sang đất Đại Việt để làm lễ thành hôn với Yết Kiêu. Biết tin này, vua quan nhà Trần muốn ngăn cản cuộc hôn nhân, đã báo tin Yết Kiêu qua đời khi công chúa Nguyên triều mới đi đến vùng biển Quảng Đông giáp biên giới Đại Việt.

Công chúa vô cùng thương xót Yết Kiêu, bèn thuê người tạc tượng mình thả xuôi sang nước ta, lập đàn cầu siêu cho linh hồn Yết Kiêu bên bờ biển tỉnh Quảng Đông và  cầu nguyện: "Thiếp và chàng sống trên trần thế chưa nên duyên chồng vợ, nay chàng không còn nữa, thiếp nguyện thác xuống âm phủ để gặp chàng và nên nghĩa vợ chồng", rồi gieo mình từ đàn cầu siêu xuống biển Quảng Đông để tỏ lòng chung thuỷ. Hai võ quan và chín nàng hầu cũng nhảy xuống biển tự vẫn để theo hầu công chúa...

Luật nay: Cản trở hôn nhân là vi phạm pháp luật

Ngày đó, các quan trong triều Trần cũng được xem như là bố mẹ của chính Yết Kiêu vậy. Chỉ vì sợ mất đi một vị tướng tài giỏi mà bằng mọi cách, quan nhà Trần đã cản trở cuộc tình duyên của công chúa Nguyên với Yết Kiêu. Nếu như cứ để cho Yết Kiêu đến với công chúa thì biết đâu sẽ có nhiều điều thuận lợi trong mối quan hệ giữa hai triều đại.

Hành vi của các quan nhà Trần vào thời đó thì sẽ không bị xem xét và thậm chí là không có vấn đề gì. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, các hành vi đó đã được pháp luật điều chỉnh. Theo Luật Hôn nhân gia đình, nam từ 20 tuổi, nữ từ 18 tuổi trở lên, nếu không nằm trong những trường hợp cấm kết hôn (người đang có vợ hoặc có chồng, người mất năng lực hành vi dân sự...) là đủ điều kiện kết hôn.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân-gia đình là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng. Việc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bị pháp luật nghiêm cấm tại khoản 2, điều 4, Luật Hôn nhân-gia đình. Không chỉ vậy, việc cản trở hôn nhân tự nguyện của thành viên gia đình còn bị coi là hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) (được quy định tại điểm e, khoản 1, điều 2 Luật PCBLGĐ) và bị nghiêm cấm theo điều 8 của luật này.

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn... Nếu việc kết hôn của hai bên nam nữ không vi phạm điều kiện kết hôn và không thuộc trường hợp cấm kết hôn thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký và được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Như vậy, căn cứ điều kiện kết hôn nêu trên thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 không có quy định điều kiện kết hôn của hai bên nam nữ phải có ý kiến đồng ý của cha, mẹ, hay cha, mẹ không đồng ý thì hai bên nam nữ không được kết hôn.    

TƯỜNG LINH

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.