Nước đi sai lầm
Thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã trở thành hòn đá tảng ngăn cách mối quan hệ vốn đầy căng thẳng với Mỹ, trở thành vấn đề đau đầu nhất giữa hai đồng minh NATO.
Sự bối rối đang ngự trị ở Ankara về cách quản lý cuộc khủng hoảng sau hai năm, khi Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực tìm ra giải pháp để vừa được sử dụng hệ thống, lại giúp giảm bớt lo ngại của các đối tác phương Tây. Nhưng bên cạnh đó, làm thế nào để vừa làm hài lòng Moscow cũng khiến Ankara bước vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và chính quyền của ông chưa bao giờ trải qua một cuộc khủng hoảng ở quy mô tương tự khi ký hợp đồng với Moscow vào tháng 4/2017. Do đó, không có sự đánh giá đúng mức về các rủi ro địa chính trị.
Theo Al-Monitor, quyết định mua S-400 vừa là một động thái tốn kém về tài chính vừa là một lựa chọn có ảnh hưởng nghiêm trọng đến định hướng chiến lược, liên minh và các quyết định chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ tới.
Quá trình mua đã diễn ra mà không có sự đánh giá kỹ thuật thích hợp của ban tham mưu, bất kỳ sự giám sát thực sự nào của quốc hội và một cuộc tranh luận công khai trên phương tiện truyền thông.
Do đó, một mình chính phủ của ông Erdogan đã phải chịu trách nhiệm đối với cái giá về kinh tế, ngoại giao và an ninh mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả trong cuộc khủng hoảng này.
Hai đề xuất bị bác bỏ
Đã có hai đề xuất được đưa ra ở Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua để thoát khỏi cuộc khủng hoảng S-400.
Đầu tiên là sử dụng mô hình Crete - ám chỉ giải pháp cho cuộc khủng hoảng hệ thống phòng không S-300 vào năm 1997 khi Síp mua hệ thống này của Nga. Sau sự phản đối mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ, các hệ thống này không bao giờ được triển khai ở Síp. Sau đó, chúng được cất giữ ở đảo Crete của Hy Lạp.
Tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar được cho là đã ủng hộ áp dụng một công thức tương tự trong các cuộc tiếp xúc với các quan chức Mỹ.
Trong quá khứ, quyết định mua S-300 đã đe dọa làm đảo lộn cán cân quyền lực ở Síp. Thổ Nhĩ Kỳ đã lập luận tại các cuộc họp của NATO rằng vũ khí không phải là vấn đề song phương mà là vấn đề của NATO, vì tên lửa do Nga sản xuất gây ra rủi ro an ninh cho liên minh.
Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ được cộng hưởng bởi Mỹ và các quốc gia có tiếng nói khác của NATO, và cuối cùng tất cả các bên đã đồng ý với một công thức theo đó các hệ thống sẽ được Hy Lạp mua lại và không được sử dụng.
Đó là một thành tựu ngoại giao quan trọng đối với Ankara, khi người Síp đã thất bại trong việc triển khai các hệ thống S-300 trên lãnh thổ của mình mặc dù đã trả tiền cho Nga.
NATO chưa bao giờ tích hợp S-300 vào mạng lưới của mình và Hy Lạp cũng chưa bao giờ chính thức kích hoạt chúng. Tuy nhiên, vào tháng 12/2013, Hy Lạp đã tiến hành các cuộc thử nghiệm với hệ thống này.
Với việc S-300 được bán cho nhiều quốc gia vào thời điểm đó, Mỹ và NATO tỏ ra háo hức muốn biết các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ chống lại các hệ thống của Nga hiệu quả như thế nào.
S-300 ở Crete đã được sử dụng trong các cuộc tập trận quân sự cho mục đích đó vào năm 2015. Israel cũng từng tham gia vào các cuộc tập trận như vậy. Gần đây nhất, các hệ thống này được cho là đã được thử nghiệm trong các cuộc tập trận chung giữa Hy Lạp, Đức, Hà Lan và Mỹ vào tháng 11.
Thông qua các cuộc thử nghiệm như vậy, Mỹ và NATO đã tìm cách xác định điểm mạnh yếu của hệ thống và đưa ra các biện pháp phù hợp. Nói cách khác, Hy Lạp đã không tìm cách tích hợp S-300 vào mạng lưới phòng không của mình hoặc sử dụng chúng để chống lại các mối đe dọa.
Mô hình Crete thoạt nhìn có thể giống như một con đường trung gian mang tính xây dựng, nhưng nó sẽ dẫn đến những thay đổi quan trọng trong mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và nghiêm trọng hơn là với Nga. Do đó, mô hình này không có khả năng sẽ được áp dụng.
Trên thực tế, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ibrahim Kalin gần đây đã báo hiệu rằng Ankara đã từ bỏ ý định này.
“Một giải pháp dựa trên mô hình Crete không nằm trong chương trình nghị sự của chúng tôi,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 2/3.
Thay vào đó, ông Kalin gợi lên mô hình của Pakistan, đề cập đến sự giám sát của Mỹ đối với việc Pakistan sử dụng máy bay F-16 thông qua một văn phòng giám sát chung.
Vào đầu năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất thành lập một nhóm làm việc kỹ thuật chung để giám sát việc sử dụng hoạt động của các hệ thống S-400, nhưng Washington không quan tâm. Vì vậy, việc áp dụng mô hình Pakistan hiện nay dường như không khả thi.
Nhiệm vụ bất khả thi
Một số quan điểm ở Ankara cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên sử dụng S-400 như một con bài thương lượng trong các tranh cãi lớn khác với Mỹ, cụ thể là tranh cãi về sự hợp tác của Washington với lực lượng dân quân người Kurd ở Syria, vốn bị Ankara coi là mối đe dọa an ninh.
Một kịch bản khác nói về việc chuyển giao các tổ hợp S-400 cho một nước thứ ba như Azerbaijan, Qatar hoặc Ukraine, nhưng các điều khoản trong hợp đồng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã loại trừ một lựa chọn như vậy.
Tóm lại, dù có rất nhiều giải pháp được đưa lên bàn thảo luận nhưng không có giải pháp nào được tất cả các bên liên quan chấp nhận, ít nhất là trong ngắn hạn.
Washington đã từ chối đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ về mô hình của Pakistan, trong khi mô hình Crete dù có thể làm hài lòng Mỹ lại gây lo ngại cho Nga, thậm chí có thể gây ra sự phẫn nộ ở Moscow, tạo nên cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Nhìn chung, bài toán hóc búa về S-400 đang ngày càng trở thành một nhiệm vụ bất khả thi đối với Chính phủ của ông Erdogan. Ankara có thể thấy không gian của họ đang ngày càng bó hẹp hơn trong việc níu giữ cùng lúc cả Washington và Moscow, khi cuộc khủng hoảng S-400 trở thành thách thức chính sách đối ngoại hàng đầu của nước này trong những tháng tới.