Tương truyền, ông là người chế ra nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát) mà còn được gọi là nỏ thần. Ông là người khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa. Cao Lỗ là một anh hùng sáng tạo văn hóa, là biểu tượng của trí tuệ, sức mạnh Việt Nam ngay từ buổi đầu dựng nước, dựng đô.
Cao Lỗ là người sáng chế ra nỏ liên châu (nỏ thần): Bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: "Linh Quang Thần Cơ". Là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân gian thường gọi ông là Ông Nỏ. Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, chúng đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc.
Tuy nhiên, chỉ vì khuyên Thục An Dương Vương chuyện đồng ý hay không đồng ý việc nhà Triệu xin cầu hòa bằng cách cho con trai ở rể.
Chuyện xưa kể rằng: Một lần Thục An Dương Vương hỏi tướng quân Cao Lỗ, người thiết kế và chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa: Mấy năm nay nhà Triệu với Âu Lạc giao hảo thuận hòa. Nay con trai họ là Trọng Thủy muốn cầu hôn với Mỵ Châu, ông nghĩ thế nào. Riêng ta muốn chấp thuận lời cầu hôn cốt để hòa hiếu, tránh nạn binh đạo.
Cao Lỗ suy nghĩ hồi lâu rồi tâu: "Việc này hệ trọng lắm, xin Vương thượng cho nghĩ ba ngày". Về nhà, Cao Lỗ suy nghĩ băn khoăn lắm. Ý vua An Dương Vương đã rõ, nếu không chấp thuận có thể bị bãi chức. Nếu đồng tình thì vận nước có cơ nguy.
Mấy hôm sau, vào chầu vua, Cao Lỗ tâu: Xưa nay chưa thấy kẻ bại trận lại xin cho con trai ở gởi rể. Chẳng qua họ muốn biết cách bảo vệ đất nước của Loa Thành mà thôi. Việc ngàn lần không nên.
Thục An Dương Vương bỗng nổi giận: Nhà Triệu đánh mãi Âu Lạc không thắng, muốn mượn chuyện cầu hôn để xí xóa hiềm khích, ta lẽ nào không thuận? Ông già rồi, ta cho ông về nghỉ. Bấy giờ, Cao Lỗ không ngạc nhiên. Vốn điềm đạm, ông chỉ nói: "Việc đúng sai còn có vầng nhật nguyệt soi sáng, thần không ân hận khi nói điều phải".
Sau khi Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ của An Dương Vương và về mách cho vua cha, Triệu Đà mang quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát nhưng do Mỵ Châu tin lời của Trọng Thủy, rải lông ngỗng theo sau để Trọng Thủy lần theo nên cả hai đã tử trận.
Luật nay: Điều kiện để bãi bỏ cán bộ công chức
Vốn là người quỷ quyệt, lại rút được nhiều kinh nghiệm trong việc thống trị người Nam Việt, cho nên Triệu Đà đã áp dụng chính sách hiểm độc gọi là "Dĩ di công di", tức là chính sách dùng người Việt trị người Việt.
Thật đáng tiếc cho một người có tài như Cao Lỗ. Chỉ vì khuyên can Thục An Dương Vương không được từ việc bị bãi chức cho đến cái chết bi thảm của bản thân. Giá như lời khuyên can của ông được An Dương Vương quan tâm để ý thì sẽ không xảy ra những chuyện đáng tiếc này.
Giả sử đưa vụ việc đó soi xét dưới góc độ pháp luật ngày nay thì sẽ như thế nào? Đúng vậy, thời xưa, tướng quân Cao Lỗ bị Thục An Dương Vương bãi chức là điều dễ hiểu. Bởi vì, khi đó, quyền lực đang tập trung ở một người. Ý chí của người đó là ý chí tối thượng.
Chiếu theo các quy định của pháp luật ngày nay, thì quyết định đuổi tướng quân Cao Lỗ của Thục An Dương Vương là sai trái. Cứ giả sử Cao Lỗ là một quân nhân chuyên nghiệp, hay một cán bộ công chức Nhà nước đi. Như vậy, muốn đuổi ông phải có lý do chính đáng chứ. Theo quy định tại luật Cán bộ, Công chức Việt Nam (2008) thì việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào: Nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và Tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 05 năm, khi hết thời hạn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. Công chức được điều động đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý mới thì đương nhiên thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm.
Từ chức hoặc miễn nhiệm đối với công chức (Điều 54): Công chức lãnh đạo, quản lý có thể từ chức hoặc miễn nhiệm trong các trường hợp: Không đủ sức khỏe; Không đủ năng lực, uy tín; Theo yêu cầu nhiệm vụ... Công chức vi phạm thì phải chịu trách nhiệm đối với việc mình đã thực hiện trong khi thi hành công vụ. Trường hợp vi phạm có dấu hiệu của tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Như vậy, việc Thục An Dương Vương bãi nhiệm tướng quân Cao Lỗ chiếu theo các quy định của pháp luật hiện hành là sai.
TƯỜNG LINH