Bỏ mạng khi làm thuê nơi đất khách
Vaìo gờ trước lễ hỏa tang, Ramila nhìn vào chiếc quan tài, nơi có thi thể chồng cô được đưa về từ Ả Rập Xê – út. Theo giấy tờ của chủ lao động bên Ả rập Xê - út cho biết, chồng Ramila (người đàn ông 36 tuổi) tự tử, còn lý do thì họ không biết.
Tuy nhiên, sự thật là chồng Ramila cùng quẫn tới mức phải tìm đến cái chết ở nơi quê người.
“Tôi không nghĩ anh ấy tự tử. Chồng tôi nói ra nước ngoài để kiếm tiền cho con và chắc chắn sẽ trở lại. Tôi cho là đã có ai đó giết anh ấy”, Ramila nói.
Mỗi ngày, ít nhất 1 người trở về nhà trong cỗ quan tài.
Trong một bức thư người chồng gửi về nhà, có đoạn viết: “Sang đến Ả rập Xê - út, đoàn của anh gồm 30 người được đưa vào một dãy nhà tạm, mỗi ô chưa đầy 30m2. Ở đó, bữa nào cũng chỉ có cơm nguội, sự u ám, chật chội và tăm tối. Cả đoàn ai cũng mệt mỏi, chán nản. Sau hơn 10 ngày lay lắt, các thành viên trong đoàn được sắp xếp công việc. Sáng hôm ấy, chiếc xe khách đưa đoàn ra ngoại ô thành phố và dừng lại ở một công trường xây dựng nằm giữa một cánh đồng. Cả khu đất rộng được quay kín xung quanh, bên trong có mấy dãy nhà 10 tầng đã xây xong thô và đang chờ hoàn thiện.
Đoàn của anh được giao công việc hoàn thiện các tầng cao của ngôi nhà. Cả đoàn chịu sự quản thúc của một tổ trưởng, do công ty cử ra. Nhiều lúc anh cảm tưởng gã như “cai ngục” khét tiếng trong những nhà tù. Hàng ngày công việc của anh là vác xi măng, xách nước, vác gạch từ tầng 1 lên tầng 8, lên lên, xuống xuống như chiếc ròng rọc. Ăn uống lại rất kham khổ, cứ 15-20 ngày thực phẩm lại được mang đến một lần, toàn đồ quá hạn sử dụng...”
Bị lạm dụng tình dục
Câu chuyện về gia đình Ramila không phải là bất thường. Nepal là một trong những quốc gia nghèo nhất trái đất. Có rất ít công việc cho người lao động ở nước này. Ước tính mỗi ngày có 1.300 người Nepal ra nước ngoài để làm việc. Song mỗi ngày lại có vài người trở về trong cỗ quan tài.
“Trung bình mỗi ngày, có hai tới ba quan tài được đưa lại Nepal, hầu hết từ các nước vùng Vịnh”, nhà xã hội học Ganesh Gurung, một thành viên của lực lượng đặc nhiệm chính phủ Nepal về cải tổ lao động nước ngoài cho biết.
Lý do chính thức cho những trường hợp tử vong là rất đa dạng, song một khi thi thể được đưa về Nepal thì nguyên nhân cái chết thường rất ít được điều tra.
Theo Gurung, các lao động Nepal bị thu hút bởi tiền lương cao ở nước ngoài, nhưng họ cũng phải đối mặt với những vấn đề khủng khiếp.
Phàn nàn phổ biến nhất là: người lao động không được hưởng những gì đã hứa. Song những phàn nàn này còn tệ hơn: “Họ bị lạm dụng về thân thể, tình dục và chúng tôi nhận thấy nhiều cô gái trở về với đứa con của chủ lao động”, ông Gurung nói.
Đó là trường hợp của người giúp việc tên Kumari khi đó đã mang thai 7 tháng. Đứa trẻ trong bụng cô là hậu quả của một lần bị cưỡng hiếp. Cha đứa trẻ là chủ cũ của cô ở Kuwait.
“Có những hôm tôi phải làm việc tới 4-5 giờ sáng. Hơn 1 năm đi ở khổ cực, tôi chưa có đồng nào gửi về cho bố mẹ. Khi đi tôi xác định đi làm để giúp đỡ gia đình, có chút vốn về lấy chồng, nào ngờ đi làm không công”, cô tâm sự.
Được biết trong 1 năm rưỡi, Kumarri nhận được 144 USD/tháng, song sau đó không có khoản tiền nào khác và việc đánh đập bắt đầu.
“Chủ nhà bắt đầu đánh tôi, họ (ông chồng và bà vợ) đều đánh tôi. Tôi phải chịu đựng điều đó trong thời gian dài”, Kumari nói trong nước mắt.
Kumarri kể, việc đánh đập đi kèm cưỡng hiếp. “Ông ta đánh tôi. Ban đầu ông ta bịt miệng để tôi không thể la hét. Sau đó ông ta cưỡng hiếp tôi, tôi đòi hộ chiếu nhưng không được trả”.
Sau đó cô chạy đến đại sứ quán Nepal tại Kuwait mà không có hộ chiếu. Cô đã ở vài tuần trong một khu giám hộ người Nepal. Ở đó, có hàng chục người phụ nữ khác giống như cô, luôn tỏ ra sợ hãi như muốn lẩn trốn điều gì.
Hiền Nhung