Tác phẩm văn học nổi tiếng Cậu bé rừng xanh - The Jungle Book của nhà văn Rudyard Kipling được sáng tác dựa trên những hồi ức của tác giả về đất nước Ấn Độ, nơi mà ông đã từng sinh ra và trải qua những năm tháng thơ ấu.
Ở vùng đất của tiềm thức, có một cậu bé tên Mowgli được bầy sói dữ tợn nhận nuôi. Nhờ chính bản thân mình, cậu bé đã đi tìm lại quá khứ và hưởng một cuộc sống hạnh phúc ở tương lai.
Người ta tin rằng, nguyên mẫu Mowgli có thực – là Dina Sanichar!
Năm 1872, ở lõi của khu rừng rậm Uttar Pradesh nằm ở phía Bắc Ấn Độ, một nhóm thợ săn đã buộc phải dừng bước và hoang mang khi nhìn thấy một bầy sói dữ, theo sau đó là một đứa trẻ đang bò bằng chân và tay.
Đứa bé khoảng 6 tuổi, nó có ngoại hình giống như thú với những chiếc răng mài hình tam giác nhọn hoắt, đứa bé không nói mà chỉ gầm gừ, rên rỉ, móng tay và móng chân sắc nhọn, người bốc mùi hôi và gương mặt phủ đầy lông lá.
Họ đã giết chết bầy sói, bắt giữ cậu bé kỳ lạ này và đưa nó đến một trại trẻ mồ côi.
Tại đây, cậu bé được rửa tội và đặt tên là Dina Sanichar, trong tiếng Urdu có nghĩa là Thứ Bảy.
Nhưng đó không phải là một sự cứu rỗi, Sanichar đã phải vật lộn với cuộc sống mới của mình và bị dần rơi vào bi kịch.
Sanichar chỉ ăn thịt sống, không thích mặc quần áo và thích gặm xương để mài răng.
Bất chấp những nỗ lực của các chuyên gia, "cậu bé sói" không bao giờ biết nói hay viết bằng ngôn ngữ loài người. Thay vào đó, cậu giao tiếp bằng cách gầm gừ, hú hét như những con sói hoang.
Sau hơn 20 năm tiếp xúc với con người, cuối cùng Dina Sanichar cũng đã học được cách đi bằng hai chân và mặc quần áo.
Thế nhưng, anh ta vẫn không nói được tiếng người, không ăn đồ ăn chín và tách biệt hoàn toàn với thế giới bằng con mắt sợ hãi.
Thói quen duy nhất Sanichar học được từ con người đó chính là hút thuốc, và không lâu anh trở thành một người nghiện thuốc lá.
Năm 1895, Sanichar qua đời vì bệnh lao.
Đã nhiều năm trôi qua, câu chuyện Dina Sanichar có thực hay không? Dina Sanichar là ai và chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ của cậu?
Tất cả vẫn hoàn toàn là bí ẩn.
Thế nhưng, có một sự thật có thể nhìn thấy rõ rằng đa số những đứa trẻ hoang dã được tìm thấy ở Ấn Độ đều khó thích nghi được với xã hội loài người, cuối cùng đều có kết cục cô độc.
Nguyên Anh (Tổng hợp)