Trần Di Ái là chú của vua Trần Thánh Tông (em trai vua Thái Tông). Năm 1281, vua Nguyên đòi vua Trần Nhân Tông sang chầu, vua Trần lấy cớ khước từ và cử Trần Di Ái là chú sang thay mặt. Hốt Tất Liệt bèn nhân cớ phong Di Ái làm An Nam quốc vương. Hắn gửi thư cho vua Trần: "Ngươi cáo bệnh không vào chầu, nay cho người được nghỉ để thuốc thang điều dưỡng. Ta lập chú ngươi là Di Ái thay ngươi làm quốc vương An Nam cai quản dân chúng".
Hốt Tất Liệt sai Bột Nham Thiết Mộc Nhi đem 1.000 quân tháp tùng Trần Di Ái về làm vua nước Nam. Nhưng khi về đến biên giới thì quân hộ tống bị quân Trần đánh cho bán sống bán chết bỏ chạy. Trần Di Ái và bộ sậu bị bắt về. Vua Trần tha cho tội chết, nhưng bắt làm lính hầu ở phủ Thiên Trường, suốt đời nhục nhã không dám ngẩng mặt lên.
Đối với Trần Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng Trần Thái Tông. Là người thông minh, giỏi văn chương, thuở còn trẻ đã có ý tranh giành ngôi vua với Thái tử Hoảng. Qua lái buôn ở Vân Đồn, Trần Ích Tắc đã gửi mật thư thông đồng với giặc, nhưng triều đình không biết.
Năm 1285, khi Thoát Hoan xâm nhập bờ cõi, ông ta còn được cử làm đại tướng cầm quân lên trấn giữ miền Đà Giang. Nhân cơ hội đó, Trần Ích Tắc đưa cả vợ con chạy sang hàng giặc và cũng được vua Nguyên phong cho làm An Nam quốc vương. Nhưng quân Nguyên thua chạy, Trần Ích Tắc sống lưu vong nơi đất Bắc cho đến chết. Nhà Trần gạch tên Trần Ích Tắc ra khỏi dòng họ và gọi một cách khinh bỉ là Ả Trần, coi như một mụ đàn bà.
Không khác mấy, Trần Kiện là con Tĩnh Quốc Vương Trần Quốc Khang, cũng là người có tài, được phong tước Chương Hiến Hầu và được Thượng tướng Trần Quang Khải gả con gái cho. Năm 1284, nhà Nguyên sai Toa Đô đánh Chiêm Thành. Trần Kiện được cử thay cha là Trần Quốc Khang cầm quân chặn giặc ở Thanh Hóa. Nhưng sợ hãi trước thế giặc mạnh, Trần Kiện cùng bọn tay chân là Lê Trắc đã đem cả một vạn quân hàng giặc, làm cho mặt trận phía Nam có nguy cơ bị vỡ. Vua Trần phải cử Thượng tướng Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật đem quân vào ứng cứu.
Trần Kiện theo Toa Đô về gặp Thoát Hoan, được trọng thưởng. Thoát Hoan rất mừng cho viên tướng Minh Lý Tịch Ban đưa bọn Trần Kiện và con trai Trần Ích Tắc là Nghĩa Quốc Hầu cùng bọn tôn thất phản bội khác về Yên Kinh. Đến ải Chi Lăng, chúng bị quân ta chặn đánh. Trần Kiện bị gia tướng của Trần Hưng Đạo là Nguyễn Địa Lô bắn chết trên lưng ngựa. Lê Trắc ôm xác chủ chạy tiếp đến Khâu Ôn cùng phải chôn vùi xác Trần Kiện để chạy tháo thân.
Ngoài ra, còn có Trần Văn Lộng là cháu nội Thái sư Trần Thủ Độ cũng là kẻ phản bội. Trần Văn Lộng được cử làm tướng cầm quân phòng vệ vùng Tam Đái. Năm 1284, quân Thoát Hoan tấn công, Văn Lộng đem cả gia quyến đầu hàng. Trần Văn Lộng được Thoát Hoan phong cho chức tước, theo quân thù đi đánh nhau với quân Trần. Khi quân Nguyên thất bại, Lộng chạy được sang Trung Quốc, làm quan cho nhà Nguyên và chết ở quê người.
Luật nay: Phạm tội phản bội Tổ quốc
Số phận của bọn bán nước xưa nay đều chẳng có gì tốt đẹp cả. Không những thế tiếng xấu còn mãi muôn đời không rửa sạch được. Tất cả xét các hành vi trên của những kẻ phản bội đất nước đều bị xử phạt, tuy nhiên, trên thực tế, lúc đó, một số người chỉ bị xử nhẹ tay. Với tội danh này, người phạm tội phải bị trừng phạt nghiêm khắc.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật thời nay thì những hành vi phản bội đất nước của Trần Di Ái, Trần Ích Tắc, Trần Kiện... sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 78 BLHS về tội phản bội Tổ quốc.
Theo đó, công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Ngoài ra, những đối tượng đó còn bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung theo Điều 92 của BLHS: Người phạm tội quy định tại chương này còn có thể bị tước một số quyền công dân từ một năm đến năm năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tường Linh