Những người hùng một thuở
Năm 2000, khi cơ hội đến, VFF đã mạnh dạn đăng cai VCK Giải vô địch bóng đá châu Á dành cho lứa tuổi 16. Ngày ấy, những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tập trung kiểu như lò Sông Lam là hiếm và VFF đã quyết định lấy thành phần chính là U.16 của đội bóng xứ Nghệ vào Đà Nẵng tham dự giải đấu này. Thực ra, trong 8 đội tham dự VCK năm ấy, U.16 Việt Nam là đội bị đánh giá yếu nhất, được tham dự VCK đơn giản chỉ vì là nước chủ nhà. Tuy nhiên, dưới bàn tay của HLV Nguyễn Văn Thịnh, các cầu thủ trẻ Việt Nam đã có một giải đấu thành công ngoài mong đợi, mang lại rất nhiều vinh quang cho đất nước.
> Đọc thêm: Chuyện tiền bạc ở đội bóng một thời 'tiêu tiền như rác'
Trận lội ngược dòng, thắng U.16 Trung Quốc 3 - 2 với các bàn thắng của Văn Quyến, Như Thuật, Quang Tuấn chắc chắn còn làm nhiều người nhớ mãi. Không chỉ các khán đài sân Chi Lăng đầy ắp khán giả mà ngày ấy, NHM Việt Nam khắp nơi đã được sống trong không khí lễ hội bóng đá thực sự khi U.16 VN khiến người ta đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sau khi kết thúc giải đấu với vị trí thứ 4, tên tuổi của những Văn Quyến, Như Thuật, Ánh Cường, Đức Anh, Lâm Tấn, Quang Tuấn lập tức bay cao. Người ta không ngớt lời ca ngợi và đánh giá họ là những viên ngọc quý có thể làm rạng danh bóng đá Việt Nam sau này.
Bất ngờ tạo ra được cú sốc vang dội như vậy nên thời điểm ấy, nhiều quốc gia không chỉ ở Đông Nam Á mà cả châu Á đã phải có cái nhìn khác về sự phát triển của bóng đá trẻ tại Việt Nam. Thực tế, VFF thời điểm ấy cũng có ý định nuôi lứa cầu thủ ấy theo kiểu tập trung, làm nòng cốt của ĐTQG sau này. Tuy nhiên, bởi những vướng mắc về cơ chế cũng như quyền lợi liên quan của các cầu thủ ở CLB nên kế hoạch không thành và đội buộc phải giải tán, trở về với địa phương.
VCK U.16 châu Á năm 2000 đã cho các cầu thủ trẻ Việt Nam cái tên, làm bàn đạp cho sự nghiệp sau nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chớp lấy để tiếp tục đánh bóng thương hiệu của mình. Ngoài Minh Đức, lứa cầu thủ nổi tiếng năm nào giờ người đã giải nghệ, kẻ thì ra Bắc vào Nam với những cảnh đời và sự nghiệp rất đáng thương.
Hậu vệ Lâm Tấn bây giờ tồn tại cũng chỉ như không tại SLNA
Long đong lận đận
Văn Quyến chắc chắn là ngôi sao sáng nhất của lứa cầu thủ năm ấy. Không phải bởi danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải mà bởi nhìn vào tố chất, người ta không ngại gọi Quyến béo là thần đồng. Tiếp nối thành công ở VCK U.16 châu Á năm 2000, Quyến tiếp tục được trao cơ hội để bay cao tại SEA Games 22. Mới chưa đầy 20 tuổi, Quyến đã có trong tay rất nhiều thứ. Tưởng như đó là điều kiện lý tưởng để Quyến tiếp tục thăng hoa, giúp bóng đá Việt thỏa cơn khát vàng sau hàng chục năm chờ đợi.
Nhưng rồi, sướng quá hóa rồ, Quyến đã dại dột bán đứng đội tuyển, lừa dối NHM khi tham gia vào đường dây cá đội tại SEA Gmaes 23 tổ chức ở Philipines. Bị bắt, bị điều tra rồi đi tù, sự nghiệp của Quyến dở dang. Ngày hết hạn treo giò để trở lại với bóng đá, Quyến cũng đã nỗ lực nhưng 1 năm, 2 năm và bây giờ đã là hơn 4 năm, nhưng Quyến vẫn thế, vẫn vật vờ và mới đây thôi, còn bị SLNA đẩy ra đường. Rất may là nghĩ cho hoàn cảnh bi đát của cậu bé vàng một thời này, V.Ninh Bình đã rộng lòng cưu mang, trao cho cơ hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, khả năng quay trở lại với bóng đá đỉnh cao của Quyến giờ là gần như không thể.
Một cái tên khác cũng nổi đình đám tại VCK U.16 châu Á năm 2000 là Như Thuật. Ngày ấy, tiền vệ tổ chức này nổi bật với những đường chuyền như đặt và lạnh lùng trong dứt điểm. Không ai khác, chính Thuật là cái tên được kỳ vọng sẽ thay thế Hồng Sơn ở trung tâm hàng tiền vệ của ĐTVN. Tuy nhiên, dù được trao cơ hội rất nhiều nhưng Thuật vẫn không chịu lớn. Nhiều năm sau đó, Thuật vẫn vậy, vẫn chẳng khác gì một cầu thủ trẻ triển vọng dù vị thế lúc ấy yêu cầu anh phải làm khác.
Thuật khác Quyến ở chỗ chăm chỉ, hiền lành nhưng ở sự nghiệp, anh không biết tạo ra sự đột phá. Không chịu trưởng thành, Thuật mất vị trí ở SLNA, buộc phải khăn gói vào đầu quân cho đội hạng Nhất Bình Định. Những ngày nghỉ mùa giải vừa qua, thấy Thuật tìm niềm vui trên các sân phủi ở Nghệ An, nhiều người đã không khỏi xót xa tiếc nuối.
Ngoài Quyến và Thuật ra, những cái tên khác như ánh Cường, Quang Tuấn ngày ấy cũng rất triển vọng. Tuy nhiên, họ cũng không thoát được khỏi vận đen như các đồng nghiệp khác. Ánh Cường sau một thời gian đá khá hay trong màu áo HP.HN cũng quyết định Nam tiến tìm cơ hội mới. Tuy nhiên, trong màu áo K.Khánh Hòa, cầu thủ gốc Hà Tĩnh này cũng không phát huy được nhiều và nhạt nhòa theo thời gian. Năm 2010, nghe tin quê nhà có thành lập đội bóng hạng Nhì mang tên Xuân Thành. Hà Tĩnh, Cường về quê xin gia nhập. Tuy nhiên, ước vọng đổi đời của bóng đá Hà Tĩnh bị phá sản, Ánh Cường cũng mất hút luôn từ đó.
Trương Quang Tuấn thì vào đầu quân cho Đà Nẵng nhưng bởi mức độ cạnh tranh quá lớn nên cũng không tìm được chỗ đứng. Mùa vừa rồi, anh bị đẩy xuống đá cho đội trẻ SHB. Đà Nẵng và mới đây, sang QNK.Quảng Nam thử việc theo tiếng gọi của ông thầy cũ Nguyễn Văn Thịnh.
Nhưng bi đát nhất phải kể đến trường hợp của hậu vệ Lâm Tấn. Sau vinh quang cùng U.23 VN tại SEA Games 22, hậu vệ này cũng vật vờ. Một thời gian chia tay HN.ACB, người ta thấy Tấn thường xuyên xuất hiện trên các sân phủi thành Vinh. Khi Nguyễn Hồng Thanh trở lại xứ Nghệ năm 2010, Lâm Tấn được cưu mang và trao cơ hội. Tuy nhiên, bởi chuyên môn đi xuống, Tấn buộc phải nhường vị trí cho các đàn em. Mùa giải 2012 vừa rồi, dù vẫn đăng ký thi đấu trong màu áo SLNA nhưng vị trí quen thuộc của hậu vệ này là trên khán đài.
Kẻ Nam người Bắc, nhưng dàn sao ngày ấy có chúng một điểm đó là sự bi đát của sự nghiệp. Không ít người xót xa và tiếc nuối, bởi lẽ ra, sẽ không có những ngày cay đắng như hôm nay nếu các cầu thủ không bị lâng lâng với những lời chúc tụng và nền bóng đá nước nhà có một cái nhìn vĩ mô hơn.
Giờ chỉ còn biết chúc, sau bóng đá, lứa người hùng của bóng đá Việt Nam năm nào sẽ tìm được nhiều hơn nụ cười với cuộc sống.
Trò lận đận, thầy cũng gian nan Là HLV có tài, có công phát hiện và đưa lứa cầu thủ như Văn Quyến, Như Thuật, Ánh Cường bay cao ở VCK U.16 châu Á năm 2000 nhưng sự nghiệp của Nguyễn Văn Thịnh cũng long đong, lận đận như chính các học trò vậy. Sau 2 lần làm HLV trưởng đội 1 SLNA mà không tạo được dấu ấn (bởi cái chính là những tác động hậu trường), Thịnh đen cũng phải bôn ba khắp nơi để mưu sinh. Có thời ông thầy này vào tận miền Tây, làm HLV trưởng cho đội hạng Nhất Tiền Giang. Sau đó, đôi bên chia tay, ông Thịnh lại xin SLNA đi theo kiểu biệt phái, ra giúp V.Hải Phòng, thời HLV Vương Tiến Dũng đang làm HLV trưởng. Sau đó, cũng chính ông Thịnh ngồi vào chiếc ghế nóng ở V.Ninh Bình khi nội bộ đội bóng này có vấn đề. Tuy nhiên, khi chỗ ngồi chưa ấm chỗ, HLV Nguyễn Văn Thịnh cũng đã phải ra đi bởi cá tính của ông không phù hợp với tập thể đội bóng đất Cố đô Hoa Lư. Về lại SLNA làm HLV của đội trẻ U.10, ông Thịnh tìm thấy sự thanh thản nhưng khát khao nghề nghiệp khiến ông không thể ngồi yên. Rồi lần này, rất dứt khoát, ông xin ra hẳn khỏi biên chế của SLNA để đối đầu thử thách. QNK.Quảng Nam là cái đích mới với nhiều kỳ vọng nhưng thách thức cũng không ít chút nào. |
Kim Thoa