IDP cấp hơn 56.000 chứng chỉ IELTS trái với quy định
Mới đây, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam có địa chỉ quận 3, Tp.HCM.
Theo kết luận, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 9/9/2022, Công ty IDP chưa được cấp phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại điều 21 và điều 22, điều 23 Nghị định 86/2018/NĐCP.
Tuy nhiên Công ty IDP đã liên kết tổ chức 458 đợt thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 46.643 chứng chỉ.
Giai đoạn từ ngày 10/9/2022 đến ngày 16/11/2022, công ty chưa được phép tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam theo thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, tuy nhiên Công ty IDP đã tổ chức 97 đợt thi và cấp 9.587 chứng chỉ.
Tổng cộng, IDP đã cấp 56.230 chứng chỉ IELTS trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép. Lệ phí thi thời điểm đó là 4,6 triệu đồng một lượt.
Trước sai phạm trên, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị công ty IDP rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ, đồng thời báo cáo Cục Quản lý chất lượng, đề xuất hướng xử lý đối với những chứng chỉ đã cấp khi chưa được phép.
Cùng với đó, kiến nghị bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Cục Quản lý chất lượng hướng dẫn công ty thực hiện xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam khi chưa được cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý nếu có sai phạm.
"Số phận" hơn 56.000 chứng chỉ IELTS?
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (IDP) đã cấp 56.230 chứng chỉ IELTS sai quy định trong năm 2022. Bởi, từ ngày 17/11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới cho phép IDP liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ, nhưng trước đó đơn vị này đã tổ chức 555 đợt thi tại hơn 30 tỉnh, thành Việt Nam.
Sự việc lần này khiến nhiều thí sinh bày tỏ lo ngại nếu các bên liên quan không có phương án xử lý phù hợp. Nguyễn Phúc Duy Khang, sinh viên năm nhất Trường ĐH RMIT (Tp.HCM), không biết "đi đâu về đâu" nếu trường hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng chứng chỉ IELTS của anh không có giá trị, từ đó hủy kết quả trúng tuyển và yêu cầu nam sinh phải thi lấy chứng chỉ mới.
"Vì trường yêu cầu đầu vào khá cao, ở mức IELTS 6.5, không kỹ năng nào dưới 6.0 nên nếu phải ôn tập và thi lại để được học tiếp, tôi có thể nghỉ học, ra đi làm luôn vì hiện tại không cần sử dụng chứng chỉ này nữa", Khang bộc bạch và cho biết thêm anh đã thi IELTS hồi tháng 4/2022 tại một trung tâm khảo thí của IDP ở Q.3, Tp.HCM.
Trong khi đó, em Phạm Xuân Thông, sinh viên năm nhất Trường ĐH Kiến trúc Tp.HCM, thi IELTS hồi tháng 7/2022 để được miễn thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT và dùng kết quả này xét tuyển vào các trường ĐH. Theo Thông, các bên cần đưa ra biện pháp hợp tình, hợp lý cho những thí sinh đã thi lấy chứng chỉ này để có thể dùng cho mục đích học tập hoặc làm việc, "vì lỗi hoàn toàn không thuộc về thí sinh".
"IDP cũng cần lên tiếng lý giải, trấn an để củng cố niềm tin cho các sĩ tử đã đăng ký thi IELTS tại đơn vị này để phục vụ cho các mục đích xét tuyển ĐH thời gian tới. Và chính thí sinh lớp 12 cũng cần cân nhắc kỹ lựa chọn về chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi trong thời điểm này để tránh xảy ra điều đáng tiếc", Thông nhận xét.
Tương tự, Nguyễn Nhật Minh Thư, sinh viên năm nhất Trường ĐH Kiến trúc Tp.HCM, cũng băn khoăn, không biết việc chứng chỉ IELTS của cô bị cấp sai quy định có ảnh hưởng gì đến giá trị của nó hay không. Dự thi hồi tháng 10/2022 và dù sau đó không dùng đến chứng chỉ này vì trường thay đổi phương thức xét tuyển, Thư cũng mong nhận được lời giải thích phù hợp để tiếp tục thi IELTS cho mục đích tốt nghiệp.
Cũng chia sẻ với báo Thanh Niên M.P, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), bày tỏ lo ngại trong trường hợp chứng chỉ IELTS của cô bị xem là vô giá trị, thì kết quả tốt nghiệp từ 2 năm trước có bị hủy? "Nếu trường hợp đó thực sự xảy ra, sẽ rất bất công khi sai phạm hành chính từ phía đơn vị tổ chức thi lại đẩy thí sinh trở thành người 'chịu tội', dù chính họ không hề hay biết gì", M.P nêu quan điểm.
Bài toán quản lý và xử lý vi phạm không gây thiệt hại cho người học
Ngay sau khi thông tin hơn 56.200 chứng chỉ IELTS của Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam được cấp vào năm 2022 là sai quy định đang dấy lên nghi ngại về chất lượng của các loại chứng chỉ ngoại ngữ.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh hoạt động liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Trước đó, vào cuối năm 2022, nhiều cơ sở tổ chức thi chưa đạt yêu cầu về hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết đã bị Bộ “tuýt còi” và phải đồng loạt dừng các kỳ thi IELTS, TOEFL, HSK (tiếng Trung), TOPIK (tiếng Hàn), NAT- TEST (tiếng Nhật)...
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó đã chỉ ra, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Hiện tượng thi hộ, gian lận hồ sơ, giả mạo giấy tờ... cũng đã được báo chí phản ánh.
Trong khi đó, những mùa tuyển sinh trở lại đây, các trường đại học có xu hướng tăng chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này cô Nguyễn Phương Linh, một giáo viên dạy môn Tiếng Anh tại Hà Nội cho rằng, những tiêu cực liên quan tới liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ gây dư luận xấu. Đặc biệt, việc cấp chứng chỉ IELTS sai quy định sẽ ảnh hưởng tới tính chính danh của chứng chỉ mà người học được nhận. Chứng chỉ cấp sai quy định sẽ gây bất lợi, thiệt thòi cho người học nếu bị các cơ sở đào tạo từ chối xét tuyển. Còn trong trường hợp chứng chỉ đó lọt qua được khâu xét tuyển của các trường thì sẽ gây mất công bằng với các thí sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc có điểm thi kém hơn.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS.Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, vi phạm nêu trên không phải là mới. Những vi phạm này đặt ra bài toán quản lý và xử lý vi phạm thế nào để các cơ sở tổ chức thi khác không coi thường pháp luật.
Bên cạnh biện pháp xử lý nghiêm đơn vị vi phạm (thậm chí cho dừng hoạt động), TS.Lê Viết Khuyến cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép cho đơn vị đó hoạt động cần phải chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc để tăng trách nhiệm quản lý.
Nêu quan điểm về phía người học, TS.Khuyến cho hay, cơ quan quản lý nên xử lý theo hướng giảm nhẹ thiệt hại cho người học. Việc này không có nghĩa là công nhận những chứng chỉ đã cấp sai quy định mà mở cơ chế chỉ định một đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi, cấp chứng chỉ lại cho người học. Chi phi thi do đơn vị vi phạm chịu trách nhiệm.
Xét tuyển IELTS vẫn được nhiều trường đại học ưa chuộng năm 2024
Từ năm 2017, các trường đại học bắt đầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL làm một trong những tiêu chí kết hợp để tuyển đại học.
Theo số liệu trên Tri Thức mùa tuyển sinh năm 2023, hơn 100 trường trên cả nước sử dụng chứng chỉ IELTS trong xét tuyển đại học chính quy.
Năm nay, trong bối cảnh tuyển sinh đại học ngày càng ít phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, dự kiến số lượng các trường sử dụng phương thức xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế này ngày một tăng. Vô hình trung, chính sách này đã tạo ra “cuộc đua" IELTS để thí sinh rộng cửa vào đại học.
Năm 2024, nhiều trường đại học ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS.
Tính đến ngày 27/2, có 43 trường đại học thông báo ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS.
Trúc Chi (t/h)