Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho rằng, bức tranh sơn mài này cũng là một trong những bức tranh đắt giá bậc nhất Việt Nam, vô cùng quý giá và được xem như là một quốc bảo, được xếp vào hàng báu vật quốc gia.
20 năm mới hoàn tất
Được biết, đây là bức tranh được Ủy ban nhân dân TP.HCM trích từ ngân sách 100.000 đô la Mỹ (600 triệu đồng Việt Nam thời điểm những năm 1990 có giá trị rất lớn) để mua tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Bức tranh khổ lớn gồm 9 tấm với kích thước 200x540 cm, bằng chất liệu sơn mài có tên "Vườn xuân Trung Nam Bắc" chính là công trình lao động nghệ thuật gần 20 năm (từ năm 1969 -1989) của cố họa sỹ Nguyễn Gia Trí.
Bắc tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc
Tác phẩm "Vườn xuân Trung Nam Bắc" là tác phẩm tinh túy bậc nhất của "người thầy nghệ thuật sơn mài Việt Nam", tổng hợp mọi thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi, nghiên cứu, tích lũy và sáng tạo về sơn mài của ông với những yếu tố của đề tài "thiếu nữ trong vườn" quen thuộc được bổ sung, đổi mới thể hiện sự thống nhất đất nước qua cảnh các phụ nữ 3 miền múa hát vui chơi trong thiên nhiên tươi đẹp đầy hoa lá. Sự cộng hưởng giữa các chất liệu vàng son vỏ trứng trong bố cục phối hợp nhịp nhàng các hình họa khiến bức tranh như một bản giao hưởng mà mọi thành phần đều vang lên cùng một lúc, lại như màn vũ kịch trong đó các nhân vật, cùng cây lá, nhóm thì tĩnh tại làm nền cho những nhóm chuyển động với các cấp tiết tấu khác nhau. Trung tâm bức tranh là nhóm thiếu nữ Trung Nam Bắc trong trang phục cổ xưa. Cạnh đó là hai đứa bé như trong tranh dân gian cưỡi con kỳ lân huyền thoại chạy chơi. Phía sau là ngôi miếu cổ nhỏ nhưng trang nghiêm. Xen với các nét văn hóa truyền thống đó là không khí hiện đại tạo bởi hai nhóm thiếu nữ áo trắng múa quay tròn...
Nhiều khách tham quan không khỏi thắc mắc và không thể hình dung ông đã làm thế nào giữ được cảm xúc một hơi trên cả tấm tranh lớn như vậy qua một thời gian dài gần 20 năm như vậy. Xem "Vườn xuân Trung Nam Bắc", người xem có thể cảm nhận xúc cảm ấy bộc lộ rõ trong từng mảng vỏ trứng thể hiện tà áo tung bay, trong từng mảng lá phượng chuyển sắc tinh tế, trong đôi bướm vờn sống động.
Tranh cãi "nảy lửa"
Thời điểm bức tranh trên được UBND TP. HCM mua lại, đã có không ít ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện của "Vườn xuân Trung Nam Bắc". Với nhiều họa sỹ nổi tiếng và những người có kiến thức mỹ thuật, am hiểu sâu sắc về nghệ thuật tranh sơn mài thì cho rằng việc mua bức tranh quý giá như vậy để đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là điều cần thiết và có thể coi đây chính là điểm son trong việc gìn giữ, trân trọng sản phẩm văn hóa, dân tộc. Thế nhưng không ít ý kiến kịch liệt phản đối, những người này phản ứng cho rằng UBND TP.HCM đã "quá lãng phí, không thể chi khoản tiền lớn như vậy cho chỉ một bức tranh, trong khi có những nơi đồng bào đang trầm lưu trong thiên tai, nơi bị lũ lụt, nơi chịu ảnh hưởng của hạn hán mất mùa".
Tranh cãi chỉ được kết thúc khi ban giám đốc Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM chính thức thông tin có một nhà sưu tập người Bỉ có ý muốn mua lại bức tranh sơn mài này với giá gấp 10 lần giá ban đầu, giá 1 triệu đô, trở thành bức tranh đắt giá nhất từ xưa tới nay của TP.HCM cũng như ở Việt Nam. Không những vậy, khi "Vườn xuân Trung Nam Bắc" trở thành "bức tranh triệu đô" đã gây được chú ý của dư luận thế giới, rất nhiều nước ngỏ ý đăng ký thuê để triển lãm. Tuy nhiên, Bảo tàng TP.HCM không có ý định cho thuê cũng như bán. Hiện, bức tranh này đang "ngự" ở không gian tầng 2 của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Người họa sĩ tài hoa
Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho biết, cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) còn là nhà đồ họa, biếm họa Việt Nam, quê tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông là một trong những họa sĩ hàng đầu có những đóng góp cho những bước khởi nguyên và sự phát triển của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam thế kỉ 20; cùng với họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn là bốn cây đại thụ của nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam (nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn). Ông từng là học viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa V, năm 1929. Đến năm thứ 3, ông rời trường về mở xưởng vẽ và tự học vì ý muốn được độc lập trong chọn lựa cách thể hiện nghệ thuật của bản thân và cho rằng "nhà trường không dạy gì hay hơn!". Chính trong thời gian này, tại xưởng vẽ của mình, ông đã thử sức trong chất liệu sơn mài với một quyết tâm cao độ, sáng tạo theo cảm hứng của tài hoa độc đáo.
Chính thiên hướng độc đáo này đã giúp Nguyễn Gia Trí trở thành người đi đầu trong việc mở ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam mà sau này ta gọi là nghệ thuật sơn mài. Ông trở thành bậc thầy lớn nhất về sơn mài, đã có công đưa "sơn ta" (sơn Phú Thọ) từ một chất liệu làm đồ mỹ nghệ cổ truyền phương Đông trở thành chất liệu hội họa nghệ thuật độc đáo của riêng Việt Nam từ những năm 30, gọi là "sơn rửa" hay "sơn mài". Nhiều họa sĩ Việt Nam cho rằng cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí là "đứa con ngỗ ngược của hội hoa Việt Nam hiện đại". Ông đã biến sơn ta mới thành một chất liệu nghệ thuật hội họa mà chúng ta gọi là sơn mài, và những bức tranh của ông thực sự là những tác phẩm tạo hình đầy sức cuốn hút.
Đến năm 1938, lần đầu tiên tranh sơn mài của ông được đem bày tại một cuộc triển lãm lớn tại Hà Nội, công chúng hết sức tán thưởng. Họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân đã từng khẳng định: "Với óc sáng tạo và tâm hồn của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, ông đã biến sơn ta không còn là một mỹ nghệ mà đã đưa nâng lên thành mỹ thuật thượng đẳng".
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí
Qua lao động rất nhẫn nại của người vẽ sơn mài, Nguyễn Gia Trí đã sáng tạo liên tiếp những tác phẩm mỹ thuật mang dấu ấn của riêng cá nhân. Những năm 1940, ông là họa sĩ luôn có tác phẩm được người đời săn đón, tranh của ông được công chúng nghệ thuật vô cùng yêu thích, hễ ông vẽ xong một bức là có người xin được xem và có người muốn mua. Tranh của ông bán chạy đến độ không kịp vẽ. Chính vì thế mà mọi người từng truyền nhau tác phẩm của ông cứ ra đời là hoặc được đón về treo ở các dinh thự, hoặc là các nhà sưu tầm tìm đến mua ngay. Theo thống kê của các nhà sưu tập tranh Việt Nam, ông đã và đang là họa sĩ lập kỉ lục về việc có tác phẩm được mua với giá cao nhất trong các họa sĩ Việt Nam từ trước tới nay...
Được biết, ông là người rất khe khắt với nghề. Hiếm khi nào ông thỏa mãn với một bức tranh của mình. Nhiều người đã biết, vẽ tranh sơn mài khá... tốn, bởi nó phải sử dụng đến cả chất liệu vàng, bạc. Song với ông, dù tốn đến mấy, một khi còn chút vướng mắc chưa hài lòng, ông vẫn sẵn sàng phá bỏ hết để làm lại. Chẳng thế mà không ít lần vợ ông phải đem giấu các bức tranh của ông đi để giao cho khách, bởi nếu còn trông thấy, kiểu gì ông cũng đòi... sửa tiếp. Ông quan niệm: "Vẽ sơn mài có lúc như thợ mộc, có lúc như thợ cày".
Người đời không thể quên được những tác phẩm của ông như: "Chải tóc", "Cảnh thiên thai", "Thiếu nữ trong vườn", "Thiếu nữ bên hoa phù dung", "Vườn xuân", "Bên Hồ Gươm", "Chùa Thầy", "Vườn xuân Trung Nam Bắc"...
Đề tài thiếu nữ trong vườn là đề tài "ruột" của danh họa Nguyễn Gia Trí từ những năm 40 tiền chiến; sau khi vào miền Nam (1954), nó đã được ông phát triển theo một chủ đề mới: "Vườn xuân", với các nhân vật nữ đại diện cho ba miền Trung, Nam, Bắc. Điều này chứng tỏ họa sĩ luôn tâm huyết với sự nghiệp thống nhất đất nước, không chấp nhận tình trạng chia cắt khiên cưỡng vì chính trị nhất thời lúc ấy, ví dụ bức "Vườn xuân" sáng tác năm 1970 (năm ấy là năm Tuất, người xem nếu chú ý có thể thấy hình một con chó lẩn trong đám lá). Trong tranh, ta thấy thiếu phụ miền Trung đánh đàn tỳ bà, thiếu phụ miền Bắc nằm tương tự trong tranh tiền chiến, bà già Nam Bộ ưu tư đội khăn rằn và cô gái Sài Gòn hồn nhiên trong áo dài lửng cổ kiểu Trần Lệ Xuân; phía sau là điệu múa thần tiên của các cô thiếu nữ.
Bảo Thanh