Thép hay dân chỉ nên chọn một
Trong thời gian dài, người dân tại TP.Đà Nẵng phản ứng về việc 2 nhà máy Dana Ý và Dana Úc nằm quá sát khu dân cư vẫn chưa thuyên giảm. Trao đổi với PV, nhiều người dân cho biết, mong muốn UBND TP.Đà Nẵng có phương án chính thức đối với số phận của 2 nhà máy thép.
2 nhà máy thép quá gần khu dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Do đó, họ có nguyện vọng, môt là di dời nhà máy, hai là di dời dân.
“Chọn thép hay chọn dân là điều rất cần thiết. Bây giờ, chúng tôi đi không được, ở cũng không xong. Chúng tôi sống nhưng luôn trong cảnh bất an, lo ngại về môi trường. Chúng tôi chỉ hy vọng thành phố giải quyết dứt điểm. Trong trường hợp thành phố đưa ra lộ trình di dời 2 nhà máy thì đề nghị lãnh đạo nhà máy phải thực hiện ngay để người dân yên tâm sinh sống làm ăn”, ông Ngô Chối, một người dân chia sẻ.
Theo người nhiều dân, trước sự phản ứng của dư luận, năm 2017, TP.Đà Nẵng có chủ trương di dời dân xung quanh 2 nhà máy thép và kinh phí di dời dân do doanh nghiệp hỗ trợ. Do triển khai chậm trễ, đầu năm 2018, dân bao vây 2 nhà máy thép. Sau đó, chính quyền TP.Đà Nẵng lại đổi chủ trương sang di dời 2 nhà máy thép.
Phía UBND TP.Đà Nẵng trước đây cũng từng có rất nhiều cuộc đối thoại và người dân đều đưa ra ý kiến tương tự. Vậy nhưng, đến nay, phương án chọn thép hay chọn dân vẫn chưa được "chốt". Điều này khiến người dân bức xúc và tiếp tục bao vây khu vực 2 nhà máy trong những ngày gần đây.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Thép Dana – Ý cho rằng, việc chính quyền bất nhất trong chính sách đối với 2 nhà máy thép khiến doanh nghiệp đang trên đà phá sản.
Cũng theo ông này, nguyên nhân dẫn đến bức xúc của người dân và doanh nghiệp là do lỗi trong quá trình thực hiện quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh trước đây. Đây là khu vực sản xuất công nghiệp nặng nhưng không có vành đai phân cách với khu dân cư, người dân ở sát nhà máy.
Khi được hỏi về việc người dân liên tục bao vây nhà máy thép, ông Tân chia sẻ: “Chúng tôi cũng hiểu tâm tư của người dân. Cả chúng tôi lẫn người dân đều mong muốn UBND TP.Đà Nẵng có một quyết định chính xác để người dân an tâm và doanh nghiệp cũng ổn định hơn”.
Điệp khúc... chờ
Theo ông Tân, phía 2 doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị TP.Đà Nẵng có phương án chính thức về số phận của 2 nhà máy thép. Thứ nhất là di dời nhà máy và hỗ trợ, đền bù theo quy định để phát triển khu dân cư. Thứ hai là di dời các hộ dân cạnh cụm công nghiệp Thanh Vinh đi nơi khác cho phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp để nhà máy tiếp tục hoạt động. “Chắc chắn phải chọn 1 trong 2 phương án chứ không thể chọn cả hai hay dây dưa thì mới khiến người dân hết bức xúc”, ông Tân chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, theo Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, đơn vị vừa ban hành công văn về tiếp tục triển khai kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy liên quan đến hoạt động của 2 nhà máy thép. Theo đó, UBND huyện Hòa Vang, sở Xây dựng, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương kiểm tra, báo cáo, đề xuất thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp cho người dân hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, xã Hòa Liên, nơi có 2 nhà máy thép.
Đồng thời, UBND huyện phối hợp với Công an TP.Đà Nẵng chỉ đạo Công an huyện Hòa Vang tổ chức nắm tình hình, có biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên 2 địa bàn thôn này. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu, ủng hộ chủ trương của thành phố trong việc xử lý hoạt động sản xuất thép trên địa bàn theo quy định pháp luật.
Phía UBND TP.Đà Nẵng cũng có yêu cầu, trên cơ sở kết quả đo đạc và phân tích mẫu môi trường của đơn vị quan trắc môi trường, cung cấp giao cho sở TNMT phối hợp với các đơn vị, tổ chức công bố kết quả quan trắc môi trường tại 2 nhà máy thép và khu vực xung quanh. Sau đó, tiến hành xử lý vi phạm, về môi trường đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nếu có. Riêng Thanh tra thành phố được yêu cầu khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra 2 công ty thép, báo cáo UBND TP.Đà Nẵng.
Như vậy, số phận của 2 nhà máy cũng như người dân ở khu vực lân cận vẫn chưa có hồi kết và tiếp tục chờ đợi.