Nữ tổng thống bị phế truất
Sáng 10/3, thẩm phán tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã tuyên bố giữ nguyên quyết định buộc tội Tổng thống Park Geun-hye mà Quốc hội đã đưa ra trước đó. Điều đó đồng nghĩa với việc bà Park sẽ buộc phải rời khỏi vị trí trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm sau.
"Toà án Hiến pháp hôm 10/3/2017 đã giữ nguyên quyết định buộc tội Tổng thống Park Geun-hye", Chánh án Lee Jung-mi trả lời trên truyền hình toàn quốc.
Theo Tòa án Tối cao, hành vi vi phạm luật pháp và Hiến pháp của bà Park trong vụ bê bối liên quan đến người bạn lâu năm Choi Soon-sil từ cuối năm ngoái đủ để phế truất bà khỏi cương vị tổng thống vĩnh viễn.
Với phán quyết này, bà Park Geun-hye đã trở thành lãnh đạo được bầu một cách dân chủ đầu tiên tại Hàn Quốc bị buộc thôi chức.
Trước đó, Quốc hội Hàn Quốc đã biểu quyết buộc tội bà Park vào hôm 9/12, sau khi các cuộc biểu tình lớn kêu gọi bà từ chức nổ ra trên đường phố.
Tổng cộng có 13 vụ việc bà Park cho phép người bạn thân can thiệp vào các vấn đề của Nhà nước, thông đồng moi tiền các doanh nghiệp lớn và lơ là trách nhiệm trong vụ chìm phà năm 2014.
Mất toàn bộ đặc quyền
Sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc, bà Park sẽ phải rời khỏi Nhà Xanh càng sớm càng tốt. Phán quyết trên cũng đồng nghĩa với việc nữ Tổng thống bị phế truất sẽ không được hưởng lương hưu hay các khoản tiền trợ cấp khác.
Theo luật pháp Hàn Quốc, một tổng thống khi về hưu sẽ được nhận khoảng 95% số tiền lương mà họ được nhận khi đang tại vị. Trong trường hợp của bà Park, bà sẽ không được nhận số tiền khoảng 12 triệu won mỗi tháng, tương đương 10.300 USD.
Cũng theo quy định của Hàn Quốc, một tổng thống về hưu sẽ được hưởng các dịch vụ y tế miễn phí trọn đời tại các bệnh viện công, được nhà nước hỗ trợ đầy đủ các chi phí để vận hành văn phòng làm việc sau khi về hưu cùng 3 trợ lý và 1 tài xế. Khi cựu tổng thống qua đời, người đó sẽ được chôn cất ở nghĩa trang quốc gia cùng với những nhà lãnh đạo xuất sắc khác.
Bà Park Geun-hye đã bị tước bỏ tất cả các đặc quyền trên, nhưng bà vẫn được cảnh sát hoặc cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh trong vòng 10 hoặc 15 năm theo quy định của Đạo luật An ninh Tổng thống.
Khi chưa xảy ra vụ bê bối, bà Park Geun-hye dự định sẽ chuyển về ngôi nhà cũ ở khu Samseong-dong, Seoul khi về hưu vào tháng 2/2017. Tuy nhiên, khi đã bị phế truất, kế hoạch này dường như đã không còn khả thi bởi những công tác chuẩn bị đảm bảo an ninh vẫn chưa hoàn thành, các quan chức Nhà Xanh cho hay. Hiện tại, họ đang cân nhắc mua một khu đất hoặc một căn nhà ở quanh Nhà Xanh để bà Park sinh sống.
Một hãng truyền thông địa phương hôm 9/3 cho hay các trợ lý thân cận đang tìm nhà cho thuê ở tỉnh Gyeonggi để làm nơi ở cho bà Park.
Theo tờ Korea Herald, có lẽ sự thay đổi lớn nhất đối với bà Park là không được hưởng quyền miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều đó có nghĩa là bà có thể bị bắt giữ, truy tố, xét xử và chịu hình phạt như những nghi phạm bình thường khác.
Sau khi bà Park bị phế truất, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, kiêm quyền Tổng thống Hàn Quốc, sẽ tiếp tục là người lãnh đạo đất nước cũng như điều hành kỳ bầu cử tiếp theo.
Trước ngày 20/3, ông Hwang phải nộp kế hoạch triển khai kỳ bầu cử. Cuộc bầu cử phải được tổ chức trước ngày 9/5, tức 60 ngày sau khi bà Park bị phế truất.
Xem thêm: WikiLeaks tiết lộ về máy chủ nghe lén của CIA có tên ‘Pocket Putin'
Lê Trang – Danh Tuyên