Số phận vị quan hoạn bị bại tướng trở về sát hại

Số phận vị quan hoạn bị bại tướng trở về sát hại

Thứ 7, 28/09/2013 15:54

Lý Cao Tông (1173-1210) là vị vua thứ bảy của nhà Lý. Ông tên thật là Lý Long Trát, khi mới lên 3 tuổi, đã được đưa lên ngôi. Ông tại vị được 35 năm, băng hà ở cung Thánh Ngọ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận định về Lý Cao Tông: Ở trong mê sắc đẹp, ra ngoài mê săn bắn, ham rượu, thích nhạc, xây nhà cao, trổ tường đẹp, phạm một trong các điều ấy tất phải bại vong. Vua phạm đủ các điều ấy, còn nói gì được nữa? Theo sử sách, Lý Cao Tông khi còn nhỏ là người ngoan lành, nhưng lớn lên bắt đầu trực tiếp cầm quyền trị nước thì lại sinh nhiều tật xấu. Khi điện Vĩnh Ninh bị sét đánh, Cao Tông bắt tu sửa ngay. Gác Kính Thiên đang làm thì có con chim khách vào làm tổ, đẻ con. Với các quan, đó là điềm xấu, nhưng nhà vua lại thấy vui, ra lệnh phải khởi công và xúc tiến việc xây dựng...

Năm Quý Hợi (1203) vua Lý Cao Tông dốc tiền của để xây cất thêm một lúc đến gần hai chục cung điện và thềm, gác, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Trong số những công trình kiến tạo vào năm này, có gác Kính Thiên. Gác vừa xây cất xong thì cũng có ngay một mẩu chuyện, tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm xôn xao cả triều đình.

Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 1-b) chép chuyện này như sau: “Lúc trước, khi gác Kính Thiên mới làm xong, có con chim bồ các đến làm tổ ở trên đó mà đẻ ra chim non. Quần thần nhân việc đó mà can vua rằng: Xưa, Ngụy Minh Đế mới xây gác Lăng Tiêu, có con chim bồ các đến làm tổ, Cao Đường Long nói rằng, Kinh thi có câu “chim bồ các làm tổ, chim tu hú đến ở''. Nay cung thất mới làm xong mà chim bồ các đã đến làm tổ, thần ngu hèn cho rằng có họ khác đến ở đó. Thần xin bệ hạ xem lời nói của Cao Đường Long, trước cốt sửa mình tu đức, sau hãy khởi công xây dựng mới là phải.

Vua nín lặng hồi lâu rồi hỏi hoạn quan là Phạm Bỉnh Di. Phạm Bỉnh Di nói: Gác mới làm mà chim bồ các đến làm tổ đẻ con, đó là điềm trời ban cho bệ hạ được dòng dõi trăm đời. Vua được đẹp lòng, sai sửa sang điện gác mau chóng, trăm họ vì thế mà khốn khổ”.

Cuộc đời của Bỉnh Di xảy ra biến là vào năm 1209. Khi đó, ở Nghệ An có Phạm Du làm phản, Lý Cao Tông sai Phạm Bỉnh Di đi dẹp loạn. Phạm Du thua trận bỏ trốn. Bỉnh Di tịch biên gia sản của Du rồi đốt hết. Cùng năm, để trả thù, Phạm Du ngầm sai người về kinh đút lót cho bọn quan lại trong triều, nói rằng Bỉnh Di tàn ác, giết hại người vô tội và kể lể tình oan, xin về kinh đợi tội. Cao Tông sai Trần Hinh triệu Phạm Du về kinh, lại triệu cả Bỉnh Di về triều. Phạm Du về kinh trước hầu Cao Tông, được vua tin cẩn; Bỉnh Di đến kinh sau, vào triều phụng mệnh. Cao Tông sai bắt Bỉnh Di và con là Phụ giam ở Thủy Viên, toan làm tội, rồi giết chết.

Thật tiếc thay số phận của Bỉnh Di đã bị kẻ khác hạ sát một cách đáng thương và oan uổng. Còn đối với Phạm Du, lúc này đã là cận thần thân tín của vua nên ông ta không bị ảnh hưởng gì sau vụ việc gây ra cho gia đình nhà Bỉnh Di.

Luật nay: Phạm Du khó tránh khỏi tội giết người

Triều thần xót việc Cao Tông xài tiền của như nước nên mới mượn tích cũ trong Bắc sử và mượn lời Kinh Thi để can vua đó thôi. Song, chút lương tâm quá ít ỏi trong con người nhà vua chỉ mới đủ để vua đứng nín lặng trong chốc lát. Vua hỏi Phạm Bỉnh Di thì nào có khác gì tự hỏi mình, bởi kẻ đã cam phận làm hoạn quan để suốt đời phò vua, có khi nào dám nói khác ý vua đâu. Đã hoạn rồi thì hết sinh con. Hết sinh con rồi mới biết thấm nỗi đau của mình. Hẳn Phạm Bỉnh Di lấy việc tự do sinh đẻ nhiều để có con dòng cháu giống như con chim bồ các kia làm điều thèm thuồng nên mới sẵn lòng nịnh vua mà nói rằng đó là điềm phúc đức. (Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục).

Trong vụ án trên, rõ ràng cái chết cuả Bỉnh Di có liên quan trực tiếp đến Phạm Du. Vì bại trận dưới tay của Bỉnh Di, Phạm Du đã âm thầm tìm cách trở về báo thù. Bằng các thủ đoạn đê hèn, Phạm Du không những sát hại ông mà còn sát hại cả gia đình nhà Bỉnh Di. Hành vi đó đã quá rõ ràng để chứng tỏ rằng Phạm Du phạm vào tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS ngày nay. Hình phạt cao nhất của loại tội này là bị xử tử hình.

Căn cứ vào tình tiết của vụ án thì Phạm Du đã sát hại cả hai cha con Bỉnh Di. Khoản 1 điểm a của điều luật trên quy định: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết nhiều người... Như vậy, tội giết người của Phạm Du đã quá rõ ràng.    

Tường Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.