Có nhất thiết phải sửa đổi quốc ca, có nên sửa vì “chiến tranh đã lùi xa nhiều chục năm, những đứa trẻ hàng ngày vẫn hát Quốc ca sẽ thấy rất khó hiểu với một số câu từ mang đậm tính chiến tranh trong bài hát đó”...?
Xin so sánh về ý nghĩa ca từ, hoàn cảnh ra đời và sự tồn tại của Quốc ca 3 quốc gia nhiều duyên nợ với Việt Nam là Pháp, Mỹ và Trung Quốc:
La Marseille. Mùa xuân năm 1792, liên quân Áo – Phổ tiến vào đất Pháp, áp sát Thủ đô Paris. Để bảo vệ đất nước, người dân Pháp đã lập ra các đạo quân tình nguyện ra chiến trường chiến đấu. Ở Strasbourg, thị trưởng Philippe Frédéric de Dietrich muốn tổ chức một buổi tuyên thệ và ông nghĩ rằng cần phải có một chiến ca để khích lệ thêm tinh thần binh sĩ. Một sĩ quan trẻ trong độ quân đó, Rouget de Lisle – một người biết sáng tác nhạc và thi ca đã thức một đêm để hoàn thành ca khúc Chant de guerre pour l'armée du Rhin (Hành khúc quân sông Rhein) vào đêm 25 rạng sáng 26/4/1792.
Bài hát có đoạn: Hãy tiến lên, hỡi những người con của Tổ quốc/Ngày vinh quang đã đến rồi/Chúng ta hãy chống lại sự áp bức/Ngọn cờ nhuốm máu đã giương lên/Hãy cầm lấy vũ khí hỡi những công dân/Hã ytập hợp lại thành đội ngũ!
Sáng hôm sau, trước đoàn quân tình nguyện và dân chúng TP.Strasbourg, Lisle đã cất tiếng hát làm mọi người xúc động. Về sau, bài hát được nhanh chóng phổ biến toàn nước Pháp. Đoàn quân tình nguyện của TP.Marseille kéo về bảo vệ Paris ngày 30/1/1792 đã hát bài hát cách mạng này trên đường phố Paris trước tiên, vì thế bài hát được gọi là La Marseillaise ("Bài ca của người Marseille"). Liên quân Áo - Phổ bị đẩy bật khỏi Pháp sau thất bại trong trận Valmy ngày 20/9/1792. Ba năm sau, nó chính thức được Quốc hội Pháp chọn là bài quốc ca đầu tiên của nước Pháp. Nó bị mất vai trò này dưới thời Napoleon rồi hai đời vua sau cấm chỉ. Trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, "La Marseillaise" được công nhận là bài ca của phong trào cách mạng quốc tế – một ví dụ là nó đã được Công xã Paris sử dụng vào năm 1871. Tám năm sau (1879), nó được khôi phục là quốc ca Pháp.
"The Star-Spangled Banner", tạm dịch là Lá cờ ánh sao chói lọi, là quốc ca Mỹ. Lời bài hát Francis Scott Key – một luật sư và là nhà thơ nghiệp dư viết vào năm 1814 sau khi ông chứng kiến cảnh pháo đài McHenry bị quân Anh oanh tạc trong Chiến tranh năm 1812. Bài này được phổ biến là một bài hát yêu nước sau khi được phổ nhạc theo bài tửu ca To Anacreon in Heaven của Anh, nhưng chỉ được trở thành quốc ca khi Quốc hội Mỹ thông qua một nghị quyết vào ngày 31/3/1931.
Lời bài hát có đoạn: Những sọc vàng to lớn và những ngôi sao này đang tỏa sáng rực rỡ xuyên cuộc chiến đẫm máu kia/Chúng ta nhìn những thành lũy kia thật dũng cảm đương đầu với biển lửa/Và pháo cùng bom nổ giữa không gian này… Thậm chí có đoạn: Máu của họ đã rửa sạch sự ô nhiễm của tiếng bước chân hôi (Their blood has washed out of their foul footsteps' pollution).
Hành khúc quân tiến nghĩa dũng: Là hành khúc được nhà thờ kiêm soạn giả ca kịch Điền Hán viết lời năm 1934 và Niếp Nhĩ phổ nhạc vào khoảng giữa giai đoạn chiến tranh Trung – Nhật (1937 – 1945).
Điền Hán viết "Hành khúc nghĩa dũng quân" vào năm 1934 cho một vở kịch ông soạn cũng vào năm đó. Theo dân gian thì ông viết lời bài này trên một mẩu giấy thuốc lá sau khi bị bắt tại Thượng Hải và bị đưa vào nhà lao Quốc dân đảng năm 1935.
Tháng 6/1949, hội nghị trù bị thành lập nước Trung hoa mới của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (gọi tắt là Chính Hiệp) Trung Quốc thảo luận việc quyết định quốc ca, nhiều đại biểu đưa ra ý kiến của mình, một số đại biểu bày tỏ nên kết nạp đề nghị của họa sĩ Từ Bi Hồng lấy bài "Hành khúc nghĩa dũng quân" làm quốc ca. Có một thời gian, bài Đông phương hồng được chọn là quốc ca không chính thức. Đến năm 1978, Quốc hội Trung Quốc lại thông qua việc chính thức lấy bài "Hành khúc nghĩa dũng quân" làm quốc ca:
Đứng lên! Những người không muốn làm nô lệ!/Với máu thịt chúng ta, hãy cùng nhau xây dựng Trường Thành mới!/Dân tộc Trung Hoa đã đến lúc hiểm nguy/Mỗi người hãy cất lên tiếng thét/Đứng lên! Đứng lên! Đứng lên!/Chúng ta muôn người như một/Bất chấp đạn lửa quân thù, tiến lên!/Bất chấp đạn lửa quân thù, tiến lên!
Tiến quân ca. Trong quá khứ, Việt Nam chỉ mới bắt đầu có quốc ca từ giữa thế kỷ 20. Trước đó, Việt Nam không có truyền thống chỉ định một bài nhạc làm quốc ca, theo nghĩa được hiểu hiện nay.
Trong hồi ký, nhạc sĩ Văn Cao kể: Mùa đông năm 1944, ông gặp một cán bộ Việt Minh là ông Vũ Quý và được đề nghị thoát ly hoạt động cách mạng, nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh.
Văn Cao viết bài hát đó trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền. Văn Cao nói rằng, tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ ca khúc Thăng Long hành khúc ca trước đó: "Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng" và bài Đống Đa: "Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa"... Và ông đã rút lại những ca từ trong bài hát đó thành Tiến quân ca. Phần ca từ trong bài hát ở thời điểm mới ra đời có nhiều khác biệt so với sau này, như câu đầu Đoàn quân Việt Nam đi, thì ban đầu là Đoàn quân Việt Minh đi, câu thứ 6 của bài hát ở phiên bản đầu là "Thề phanh thây uống máu quân thù" thể hiện sự căm phẫn, đau đớn của Văn Cao trước sự tàn bạo của thực dân Pháp và trước nạn đói đang xảy ra, về sau được nhiều người góp ý, tác giả đã sửa thành Đường vinh quang xây xác quân thù. Câu kết: “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được Văn Cao sửa thành Núi sông Việt Nam ta vững bền.
Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca là quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Sau Cách mạng tháng Tám, khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao được chọn làm quốc ca Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều này được ghi vào Hiến pháp ngày 9/11/1946. Và Tiến quân ca tiếp tục là Quốc ca nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập. Năm 1969, Mặt trận thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để đối chọi với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Chính phủ này sử dụng quốc ca là bài Giải phóng miền Nam của Lưu Hữu Phước (với bút danh Huỳnh Minh Siêng).
Sau ngày 30/4/1975, bài Giải phóng miền Nam trở thành quốc ca cho cả miền Nam trong nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cho tới khi hai miền hợp nhất, nước CHXHCN Việt Nam ra đời năm 1976, Tiến quân ca tiếp tục được chọn là quốc ca.
Sau này, năm 1981, cũng đã có dự định thay đổi quốc ca. Một cuộc thi được mở ra nhưng sau hơn một năm, cuộc thi này không được nhắc tới nữa.
> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Tường Bách
Xem bản dịch song ngữ Anh - Việt và nghe audio news tại đây: oes.edu.vn