Báo Tiền Phong đưa tin, chiều 7/8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công điện, yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất.
Các địa phương tập trung giải pháp đảm an toàn cho người dân tại các khu vực bị ngập lụt, chia cắt; sơ tán dân ở những vùng nguy cơ cao đến đến nơi an toàn; sẵn sàng phương án đảm bảo giao thông, lưới điện, hệ thống thông tin, liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Ban chỉ đạo Trung ương cũng lưu ý các tỉnh Tây Nguyên rà soát phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn.
Triển khai lực lượng cảnh báo, canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt để đảm bảo an toàn cho người dân và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Về hồ đập, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu kiểm tra, triển khai việc các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công, sửa chữa; vận hành các hồ thủy điện đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du.
Đặc biệt, đối với các hồ trên khu vực biên giới cần chia sẻ và thông báo kịp thời thông tin về vận hành và xả nước của hệ thống hồ chứa thủy điện cho các cơ quan chức năng của Campuchia bảo đảm không gây biến động dòng chảy đột ngột vùng biên giới Việt Nam và Campuchia theo quy định.
Trước đó VTC News đưa tin, trưa ngày 7/8, ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết, từ chiều 6/8, Đắk Lắk xuất hiện mưa rất to trên 200ml, kéo dài làm nhiều tuyến đường bị chia cắt. Trong đó, huyện Ea Súp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cụ thể, tuyến đường huyết mạch tỉnh lộ 1 nối huyện Ea Súp - TP.Buôn Ma Thuột bị ngập nước, chia cắt nhiều đoạn; các tuyến giao thông xã, thôn cũng bị nước nhấn chìm. Nhiều nhà dân ở một số nơi thuộc xã Ea Bung, Ia Tmốt, Cư M’lan bị ngập.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đang phối hợp các đơn vị chức năng di dời dân và tài sản ra khỏi vùng ngập.
Theo Báo cáo nhanh của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk, trong 12 giờ qua (từ 20h ngày 6/8 đến 8h ngày 7/8), các huyện: Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được tại xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) là 363,4mm; xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) là 214,6mm.
Đài Khí tượng Thủy văn, cảnh báo: Các xã thuộc huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar có khả năng xảy ra lũ quét sườn dốc, sạt lở vùng ven sông, ngập úng vùng trũng thấp.
Đặc biệt là huyện Ea Súp, tỉnh lộ 1 khả năng ngập sâu và chia cắt; các hồ chứa trên địa bàn huyện Ea Súp và hồ Ea Súp thượng cần có biện pháp chống lũ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong đêm nay và ngày mai 8/8 ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/24h); riêng các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk có mưa rất to (lượng mưa 80-150mm/24h, có nơi trên 200mm/24h).
Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ trên sông Srêpốk tiếp tục lên chậm, tối và đêm nay 7/8, mực nước trên sông Srêpốk tại trạm Bản Đôn lên mức 176,8m, trên BĐ3 1,8m (dự kiến xả của thủy điện Srêpốk 3 với lưu lượng là 340m3/s), sau còn dao động ở mức cao; tại trạm Đức Xuyên ở mức BĐ1.
Cảnh báo tình trạng ngập lụt vẫn tiếp tục diễn ra ở các huyện Ea Súp và Buôn Đôn. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, đặc biệt tại các huyện sau:
Tỉnh Đắk Lắk: Cư M’gar, Buôn Mê Thuột, Buôn Đôn, Ea Súp, Cư Kuin, Krông Ana.
Tỉnh Đắk Nông: Đăk Rlấp, Gia Nghĩa, Đăk Song, Krông Nô, Cư Jút.
Quốc Tiệp (tổng hợp)