Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng cả “tiếng lóng” như “cho tao 4 đồng tiêu Tết”. Vì thế, khi trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa XIII, người có nhiều phát biểu gay gắt về chống tham nhũng cho rằng: Cần phải làm rõ dòng tiền phạm pháp này, để biết liệu còn những gì bí ẩn trong câu chuyện chia chác 13 tỷ đồng này không?
PV: Tại toà, Lương Văn Hòa – nguyên Giám đốc ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch khai, có nghe rõ Trịnh Xuân Thanh nói “cho tao 4 đồng tiêu Tết”. Sau đó, nhóm lợi ích của ông Thanh lại yêu cầu thêm “1 đồng”. Hoà hiểu “đồng” là tỷ đồng. Những yêu cầu này đều là chỉ đạo bằng miệng và bằng tiếng lóng mà chỉ nhóm này hiểu. Ông có bình luận gì?
Ông Lê Như Tiến: Từ các vụ việc gần đây có thể thấy đường đi của dòng tiền phi pháp rất lắt léo. Phần chỉ đạo rút tiền, chuyển tiền đều bằng lời nói miệng.
Trong khi đó, quy định của Nhà nước, không cho phép mệnh lệnh bằng miệng mà đã là mệnh lệnh để cấp dưới thi hành thì phải bằng các văn bản pháp quy như quyết định, chỉ thị... Nhất là lệnh rút tới hàng chục tỷ đồng mà chỉ bằng các cuộc điện thoại thì nguy hiểm vô cùng.
Vì thế mà khi ra toà, Trịnh Xuân Thanh phủ nhận sạch trơn về những chỉ đạo rút tiền, việc nhận số tiền lớn. Bởi bằng chứng là văn bản, quyết định không có.
PV: Việc các đối tượng sử dụng “tiếng lóng” có khó khăn hơn cho cơ quan điều tra trong việc xác định tội?
Ông Lê Như Tiến: Đôi khi họ sử dụng tiếng lóng với nhau như “cho tao 4 đồng”. Người ngoài dù có ghi âm cũng sẽ không hiểu họ nói từ “đồng” chỉ số lượng bao nhiêu.
Thế nhưng những người trong nhóm lợi ích của Trịnh Xuân Thanh thì đều hiểu ám chỉ số tiền. Như lời khai của Lương Văn Hoà thì 4 đồng được ngầm hiểu là 4 tỷ đồng. Tôi cũng từng được nghe một người nói “Tết này biếu bác sếp lớn 1 T”. 1 T ở đây không phải là 1 triệu, 1 trăm triệu mà được hiểu là 1 tỷ đồng.
Việc dùng tiếng lóng giao thiệp khiến người ngoài không hiểu được. Chính vì thế, khi phát hiện ra sự việc, cơ quan chức năng cần nhanh chóng phanh phui ra ánh sáng để làm gương cho những người khác. Nghiêm khắc cả với người nhận và đưa hối lộ.
Không thể để số tiền lớn của Nhà nước bị “lẩn khuất” bằng những lời nói ám hiệu và những hành động đen tối.
PV: Theo dõi vụ án Trịnh Xuân Thanh, có thể thấy, nhiều khi các đối tượng không nhận tiền trực tiếp mà thông qua các lái xe. Họ cũng không nói rõ là biếu số tiền bao nhiêu mà chỉ nói “Em biếu anh chai rượu”, “Em biếu anh cái áo” nhưng thực tế là phong bì dày, thậm chí là cả vali tiền. Ông nhận xét gì về việc đưa và nhận hối lộ tinh vi này?
Ông Lê Như Tiến: Quả thật, khi theo dõi vụ việc này, chúng ta thấy rằng đường đi của dòng tiền phi pháp này rất lắt léo. Đôi khi nó không đi thẳng vào đối tượng chính mà có thể đi qua vợ, con, đệ tử, lái xe... của người đó. Vì thế, tôi cho rằng, sắp tới, khi sửa Bộ luật Hình sự, chúng ta phải đưa vào danh sách người kê khai tài sản cả những người cận huyết thống.
PV: Theo cáo trạng, Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng; Nguyễn Anh Minh – cựu Phó Tổng giám đốc PVC được nhận trên 3,6 tỷ đồng trong khi nguyên Tổng Giám đốc Vũ Đức Thuận chỉ được hưởng 800 triệu đồng. Như vậy, Phó Tổng giám đốc được ăn chia gấp 4,5 lần Tổng Giám đốc. Sự vô lý như vậy liệu có thể tồn tại trong nhóm lợi ích này, hay có những “góc tối” nào đó mà chưa phát hiện ra?
Ông Lê Như Tiến: Chuyện vô lý như vậy không thể xảy ra ở nhóm lợi ích, nhiều người hồ nghi rằng, họ không thể sử dụng cả số tiền lớn đó mà phải có những người liên quan đứng phía sau để cùng chia chác. Qua việc này chúng ta phải làm mạnh mẽ và quyết liệt xem đường đi nước bước của số tiền “khủng”. Ai đã dung dưỡng, chống lưng cho nhóm lợi ích này lộng hành?
PV: Xin cảm ơn ông!