Ngày 29/5, liên quan đến thông tin “bà Nguyễn Phương Hằng cam kết không livestream” khi làm việc với cơ quan chức năng, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, đại diện sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM cho biết: “Quá trình làm việc giữa cơ quan và bà Phương Hằng vẫn đang thực hiện, chưa có kết quả cuối cùng”.
Sáng cùng ngày, phía bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Đại Nam cho biết, vì sức khoẻ không tốt nên sẽ huỷ buổi live vào lúc 18h30 tối 29/5”.
Suốt 2 tháng qua, vụ việc vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi”) và bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo ông Võ Hoàng Yên thu hút sự quan tâm của dư luận.
Bên cạnh đó, những livestream gần đây của bà Nguyễn Phương Hằng còn nhắc đến hàng loạt nghệ sĩ như: NSƯT Hoài Linh, NSND Hồng Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Trịnh Kim Chi, Trang Trần, Lư Hoàng Gia Bảo...
Ngày 16/4, bà Nguyễn Phương Hằng từng bị Thanh tra sở TT&TT TP.HCM xử phạt 7,5 triệu đồng do thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.
Động thái siết chặt quản lý diễn ra khi bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội vào 28/5.
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường công tác quản lý, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người dùng.
Từ năm 2017 đến nay, bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo sở TT&TT các địa phương xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội YouTube, Facebook vi phạm.
Trong đó có các vụ việc đáng chú ý như xử phạt kênh YouTube Hoàng Anh – Timmy TV mới đây, kênh Hưng Blog, Hưng troll, kênh Thơ Nguyễn. Bộ cũng đã yêu cầu Google đóng nhiều kênh YouTube của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật.
Qua công tác quản lý nhà nước về thông tin trên mạng, bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, lập group chat để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật.
Phần nhiều trong số đó là các nội dung xúc phạm danh sự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép,...
Những hành động này đã gây ra sự búc xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Để kịp thời nắm bắt, có biện pháp chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là giới trẻ, bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở Thông tin và Truyền thông, công an tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội.