Sở Tư pháp TP.HCM mới có thông báo cảnh báo người dân không thực hiện giao dịch về nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền giữa các bên.
Theo quy định của pháp luật, vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Về nội dung, vi bằng của thừa phát lập chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, vi bằng không chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.
Thừa phát lại không được lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng, thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp...
Khi lập vi bằng, thừa phát lại có trách nhiệm giải thích cho người yêu cầu lập vi bằng hiểu rõ các quy định pháp luật về vi bằng và giá trị pháp lý của vi bằng.
Đồng thời, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, thừa phát lại không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền hoặc lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.
Từ những quy định trên, vi bằng của thừa phát lại không phải văn bản công chứng, chứng thực. Vi bằng không xác nhận các hợp đồng, giao dịch và không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực.
Vi bằng của thừa phát lại là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Do đó, trong trường hợp thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận hành vi giao nhận tiền của các bên thì vi bằng này chỉ có giá trị chứng minh bên này đã giao và bên kia đã nhận một khoản tiền (để tạo lập chứng cứ cho hành vi giao nhận tiền giữa các bên), vi bằng này không xác nhận hay chứng nhận đối với các giao dịch khác.
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, từ công tác kiểm tra, giải quyết việc đăng ký vi bằng của thừa phát lại, Sở Tư pháp nhận thấy hầu hết các vi bằng do thừa phát lại lập chỉ ghi nhận việc giao nhận tiền giữa các bên.
Nội dung vi bằng không ghi nhận các giao dịch về chuyển nhượng nhà đất giữa các bên và theo quy định của pháp luật thì Sở Tư pháp cũng không đăng ký đối với các vi bằng ghi nhận việc chuyển nhượng nhà đất.
Do đó, khi có nhu cầu chứng nhận các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà đất, Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên hệ các tổ chức hành nghề công chứng để được giải quyết theo thẩm quyền.
Mặt khác, khi có nhu cầu lập vi bằng để tạo lập nguồn chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp với các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP.HCM để thực hiện việc thỏa thuận với thừa phát lại về việc lập vi bằng.
Sở Tư pháp TP.HCM nhắc nhở thừa phát lại trên địa bàn TP.HCM phải có trách nhiệm giải thích cho khách hàng hiểu rõ quy định pháp luật và giá trị pháp lý của vi bằng.
Mọi thông tin phản ánh về hoạt động của thừa phát lại, người dân có thể cung cấp về Sở Tư pháp thông qua số điện thoại đường dây nóng (028) 38.223.292 hoặc (028) 38.225.368. Thời gian tiếp nhận phản ánh trong giờ hành chính (sáng từ 7h30 đến 11h30 và chiều từ 13h đến 17h) từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.
An Bình