Mấy ngày gần đây, việc một diễn viên xiếc từ Hải Dương sang huyện Thanh Liêm, Hà Nam diễn đã bị cá sấu cắn vào mặt làm nhiều người bất ngờ. Từ đây, “bức màn” những bí mật về nghề xiếc thú được hé lộ, nhiều người cho rằng, việc quản lý các đoàn xiếc tư nhân này như thế nào lại để xảy ra những chuyện vừa qua?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, NSND Vũ Ngoạn Hợp – nguyên Giám đốc liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Câu chuyện về nam diễn viên đến diễn xiếc tại Hà Nam bị cá sấu cắn vào mặt khiến nhiều người lo lắng, bởi từ lâu rồi, việc diễn với xiếc thú luôn gây tò mò với khán giả. Việc vừa rồi, điều đáng tiếc xảy ra đối với người làm xiếc thú và là tiếng chuông cảnh báo về sự an toàn với những người muốn theo đuổi nghề này. Theo tôi được biết, con cá sấu này chưa được thuần phục và mới đưa về đoàn xiếc được vài ngày. Có thể, đoàn xiếc đã “lỡ” quảng cáo với khán giả có tiết mục đưa đầu vào mồm cá sấu nên họ mới liều như vậy.
Nếu như, con cá sấu được nuôi từ nhỏ, huấn luyện có bài bản và nó trở thành “bạn thân” của người diễn viên thì lại rất an toàn khi lên sân khấu. Bởi, mỗi một diễn viên xiếc thú đều có “mánh”, phương pháp riêng để thu phục con thú mình sẽ biểu diễn cùng, chúng tôi gọi đó là bí mật nghề nghiệp. Nếu nắm bắt được con cá sấu, hiểu “tính nết” nó thì nó sẽ thuần phục, nghe theo lời biểu diễn....”.
Cũng theo ông Ngoạn, xiếc thú là một bộ môn nghệ thuật cần sự đầu tư về con người, trí tuệ, niềm đam mê, lòng yêu nghề. Diễn viên xiếc thú cũng như “bạn diễn” của mình cần có thời gian huấn luyện chứ không thể “ăn xổi”. Mỗi đoàn xiếc cần đảm bảo sự an toàn cho đêm diễn cao, nếu không rất dễ xảy ra tai nạn. Xiếc không có một quy định nào, có người giỏi hoặc người kém, có người 1 năm là diễn được nhưng cũng có người phải cần đến 5 năm, 10 năm mới diễn được.
Ông Ngoạn cho hay, có một vài sự cố hi hữu xảy ra tại liên đoàn Xiếc Việt Nam nơi ông làm nhưng vẫn nằm trong sự kiểm soát. Nghề xiếc thì không thể nói trước 100% được, quan trọng là người diễn viên cần kiểm soát được sân khấu và con thú diễn cùng mình, thường thì diễn viên sẽ có thời gian để làm quen, thuần phục con thú chứ không phải mua về là diễn cùng ngay. Theo đó, chỉ những đoàn xiếc thuộc trung ương thì mới thuộc sự quản lý của cục Nghệ thuật Biểu diễn – bộ VH-TT&DL, còn các đoàn xiếc của các tỉnh, đoàn xiếc tư nhân là thuộc sở VH-TT&DL các tỉnh quản lý.
Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Huy - Giám đốc sở VH-TT&DL Hà Nam cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu công ty TNHH Hoa Phượng (sở hữu đoàn xiếc, đóng tại huyện Thanh Miện, Hải Dương) đến làm việc về sự cố nam diễn viên bị cá sấu tấn công khi diễn. Qua đó, chúng tôi phát hiện ra Sở chỉ cấp cho đoàn xiếc từ ngày 24/2 đến 10/3. Tuy nhiên, đoàn xiếc này đến 11/3 vẫn biểu diễn tại xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) là vi phạm giấy phép biểu diễn”.
Bên cạnh đó, ông Huy cho biết thêm, tiết mục đưa đầu vào miệng cá sấu không nằm trong danh sách chương trình biểu diễn. Giấy phép Tổ chức biểu diễn nghệ thuật công ty TNHH một thành viên ca nhạc, xiếc, tạp kỹ Hoa Phượng ngày 13/7/2016 chỉ bao gồm 10 tiết mục gồm: Xiếc con lăn chồng cốc, xiếc khỉ, xiếc xe đạp đài cao, xiếc đế thống, hề váy, ảo thuật, xiếc uốn dẻo, xiếc chăn, xiếc hề con lăn, xiếc trò chơi trên cột. Danh sách các diễn viên xiếc biểu diễn cũng không có ai tên là Đoàn Mạnh H. (24 tuổi, quê Vĩnh Phúc, người bị cá sấu tấn công). Sở VH-TT&DL Hà Nam đã yêu cầu công ty Hoa Phượng giải trình về vấn đề này và Sở sẽ gửi công văn cho sở VH-TT&DL Hải Dương để xử lý vi phạm này.
Sáng 20/3, ông Huy cho PV biết, Sở và Thanh tra sở VH-TT&DL Hà Nam đang làm việc để xử lý việc sai phạm ở công ty TNHH Hoa Phượng, nếu có gì mới sẽ thông tin đến báo chí.
Lạc Thành