Sáng 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) hỏi về giải pháp nâng cao chất lượng xét xử với số lượng biên chế hiện nay và thực trạng nhiều thẩm phán áp lực trong quá trình xét xử vì chế độ đãi ngộ và bảo vệ chưa tương xứng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình báo cáo thực tế biên chế ngành tòa án chỉ có 15.300 người nhưng số vụ án trong một năm lên tới hàng trăm nghìn vụ.
Kết thúc năm 2022, hệ thống toàn án phải giải quyết 570.000 vụ, tăng gấp đôi, nhưng biên chế phải giảm 10% theo tinh thần chung. Điều này tạo nên áp lực với tòa án, chất lượng xét xử cũng bị ảnh hưởng.
“Trung bình mỗi thẩm phán phải xử 5-6 vụ/tháng, cá biệt có địa phương hơn 10 vụ. Một tháng xử nhiều như thế thì phần nào cũng ảnh hưởng chất lượng”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Ông Bình cho hay TAND Tối cao đã trình xin Thường vụ Quốc hội cho giữ biên chế của tòa án mà không phải giảm 10% theo quy định chung.
“Chúng tôi tham khảo kinh nghiệm nhiều nước xem 600.000 vụ/năm đã phải điểm dừng chưa? Với quốc gia 100 triệu dân như ở Việt Nam thì số lượng án xét xử là 1,5-2 triệu vụ, như vậy số lượng án có thể tăng chứ chưa dừng ở con số 600.000 vụ/năm. Còn trong điều kiện biên chế thiếu vẫn phải nâng cao chất lượng xét xử”, ông Bình khẳng định.
Về cơ chế bảo vệ thẩm phán, Chánh án TAND Tối cao xác nhận chế độ, chính sách của Việt Nam kém hơn so với nhiều nước, trong khi nhiều quốc gia có cơ chế bảo vệ rõ ràng.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đề cập thông tin trung tâm hoà giải được thành lập nhưng hiệu quả hoạt động thấp. Đề nghị Chánh án cho biết hiệu quả trên thực tế của việc thực hiện hoà giải đối thoại ngoài tòa án?
Trả lời, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết nhiều nước coi luật hòa giải như đột phá thay thế xét xử. Theo ông, tất cả tranh chấp trong xã hội nếu được hòa giải sẽ có nhiều tác dụng.
“Tất cả xung đột được thỏa thuận, giải quyết thân thiện sẽ giúp giảm chi phí mở phiên tòa hay chi phí thi hành án, bởi bản án của tòa tuyên xong vẫn còn chi phí thi hành án và nhiều khi còn tiếp tục phát sinh mâu thuẫn”, ông Bình cho hay.
Từ đó, ông khẳng định hòa giải là thiết chế giải quyết xung đột xã hội một cách hòa thuận, hàn gắn. Thực tế những năm qua, tỉ lệ hòa giải có khoảng 72.000 vụ trong tổng số 600.000 vụ phải giải quyết. Con số này không cao, song theo ông Bình, giúp giảm đáng kể số vụ tòa án phải xử, giúp cho giải quyết áp lực khi “việc nhiều thẩm phán ít”. Quan trọng hơn cả, theo ông Bình, hòa giải giải quyết được xung đột một cách thân thiện nên rất có tác dụng.
Tại phiên chất vấn sáng nay, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ trả lời chất vấn các nhóm vấn đề:
- Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
- Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án.
- Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ.
- Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.
Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ.
Xem thêm:
Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu khi chất vấn "đi thẳng vào vấn đề"