Chiều tối 13/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp.HCM tổ chức họp báo thường ngày để cập nhật thông tin về tình hình trên địa bàn.
Tại đây, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM đã cho biết về “thẻ xanh” đối với người đã tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19.
"Chúng ta tránh hiểu lầm rằng có “thẻ xanh” thì không cần xét nghiệm hay 5K. Bởi vì “thẻ xanh” chỉ chứng minh có kháng thể bảo vệ cho cá nhân chứ vẫn có thể mang virus trong người và vẫn lây bệnh cho gia đình và cộng đồng nếu mắc bệnh", ông Thượng nói.
Lãnh đạo Sở Y tế Tp.HCM cũng cho biết thêm, thời gian qua, số ca mắc Covid-19 tại Tp.HCM rất lớn, nằm ngoài dự đoán của ngành y tế do đó nhiều trường hợp chưa được tiếp cận y tế để được xét nghiệm theo quy định.
Tp.HCM được Bộ Y tế cho thí điểm cách ly F0 tại nhà và mô hình này đã đạt được kết quả khả quan. Các biện pháp cách ly F0 tại nhà không đơn thuần mà còn đi đôi với giải pháp gồm thuốc điều trị cũng được cung ứng. Đồng thời, mô hình trạm y tế lưu động cũng đạt hiệu quả và được các địa phương đánh giá tốt.
Trả lời về việc F0 tự điều trị và khỏi bệnh nhưng không báo với địa phương hay cơ quan y tế, bác sĩ Thượng cho hay, ngành y tế phát hiện một số trường hợp không phổ biến là tự làm xét nghiệm tại nhà do không có triệu chứng nên họ tự cách ly và cũng không được cơ quan y tế xác nhận để được quản lý. Sự việc này nằm ngoài dự kiến. Do đó, sắp tới, Sở Y tế sẽ có tham mưu, giải pháp phù hợp cho UBND Tp.HCM để có hướng dẫn hợp lý nhất.
Về việc xét nghiệm kháng thể, ông Thượng chia sẻ: “Việc làm này, ngay cả trên thế giới cũng chưa khuyến cáo. Bởi kháng thể IgG trong người tồn tại nhiều năm không có nghĩa là sẽ không nhiễm bệnh”.
Đối với tiêu chí của Bộ Y tế để kiểm soát dịch bệnh tại Tp.HCM, Giám đốc Sở Y tế Tp. HCM trình bày: “Tiêu chí yêu cầu số ca mắc trong tuần phải giảm liên tục so với 2 tuần trước đó, giảm 50% so với tuần mắc cao nhất. Tuy nhiên, hiện nay số ca mắc mới của Tp.HCM đang đi theo đường nằm ngang, không đi lên nhưng cũng chưa đi xuống, dao động ở mức 5.000 – 6000 ca”.
Đánh giá diễn tiến dịch bệnh tại Tp.HCM đang theo chiều hướng khả quan nhưng ông Thượng nhận xét, với biến thể khó lường của chủng Delta thì khó có thể làm sạch F0 trong cộng đồng mà chỉ có thể giảm ở một mức độ nào đó.
Hiện, Thành phố này vẫn đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để giảm F0. Tuy nhiên, Tp.HCM cũng sẽ làm việc với bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để tìm các tiêu chí phù hợp với biến thể Delta.
“Cho dù có tính lại các tiêu chí thì bắt buộc tiêu chí tử vong phải được cải thiện trong mức độ chấp nhận được. Tp.HCM đang kỳ vọng tỷ lệ tử vong giảm dần. Chúng tôi đang theo dõi 3 tuần liên tục nhận thấy tuần đầu giảm 100, tuần 2 giảm 200. Đây là những tín hiệu tích cực”, ông Thượng thông tin.
Trả lời về các túi thuốc điều trị F0 tại nhà cũng như tình trạng có những quảng cáo, mời chào mua thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội, theo bác sĩ Thượng, hiện chỉ có gói thuốc A (hạ sốt, vitamin) là người dân có thể tự mua ngoài hiệu thuốc, còn 2 gói thuốc còn lại không được bán rộng rãi.
Tp.HCM hiện có hơn 60.000 F0 đang điều trị tại nhà. Mà theo quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế Tp.HCM đã cho phép các F0 khi có triệu chứng chuyển nặng (mệt, khó thở, chỉ số SpO2 dưới 95%) có thể uống 1 liều kháng đông kháng viêm (gói B) trong khi chờ bác sĩ tới, sử dụng không quá 3 ngày.
“Gói thuốc B người dân không tự mua được. Còn gói thuốc C là thuốc kháng virus Molnupiravir đang rất được kỳ vọng, là chương trình can thiệp có kiểm soát của Bộ Y tế nên người dân không thể mua được ở ngoài”, ông Thượng nói.
Thuốc kháng vius này có công dụng rút ngắn thời gian mắc bệnh và giảm nguy cơ lây lan, hiện vẫn đang chờ Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế công nhận.
“Ngoài thuốc hạ sốt, vitamin người dân có thể tự mua thì hiện không có thuốc nào trị Covid-19 được ngành y tế khuyến cáo mua ở ngoài để tự sử dụng ”, bác sĩ Thượng khẳng định.