Sở Y tế Tp.HCM đang đề xuất UBND thành phố tiêm vắc-xin mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người có nguy cơ cao vào 2 tháng cuối năm 2021. Sang năm 2022, dự kiến tiêm mũi 3 và mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.
Về đề xuất trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược Tp.HCM, cho là hoàn toàn phù hợp.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, các nghiên cứu cho thấy, sau khoảng 20 tuần tiêm mũi 2, thì miễn dịch có giảm đi một phần nhưng vẫn bảo vệ được người dân khỏi bệnh nặng, giảm tử vong. Số ca nhiễm Covid-19 có triệu chứng có khả năng lây cho người khác cũng giảm đi. Nhưng, nhóm tiếp xúc có khả năng lây bệnh cho người khác như nhân viên y tế cần bổ sung miễn dịch. Tiêm mũi 3 cho nhóm có nguy cơ cao, đáp ứng miễn dịch kém thì miễn dịch giảm, nguy cơ mất luôn miễn dịch và nguy cơ bệnh nặng.
Ông Dũng dẫn nghiên cứu trên người cao tuổi ở Israel trong đợt dịch vào tháng 7/2021 cho thấy, người được tiêm vắc-xin vào tháng 1 có nguy cơ bị bệnh nặng gấp đôi so với người được tiêm gần đây. Điều này cho thấy, việc tiêm mũi 3 ở người cao tuổi sau 4 đến 6 tháng là cần thiết.
“Thời gian này người ta thấy tử vong không tăng nhưng tỉ lệ nhiễm tăng, nên việc tiêm lại để đảm bảo không lây lan cho người khác là quan trọng”, PGS.TS Dũng nói với Thanh Niên.
Tuy nhiên, ông Dũng lưu ý, việc tiêm mũi tăng cường cũng nên quan tâm đến tính "sẵn có": "Nếu ở nhiều địa phương còn nhiều người cao tuổi chưa được tiêm mũi 2 thì nên ưu tiên phân bổ vắc-xin cho những người này trước khi tiến hành tiêm mũi 3 cho người cao tuổi tại Tp.HCM".
Trong Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 của ngành y tế Tp.HCM đợt dịch vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố - cũng nhấn mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố.
"Phải đảm bảo độ bao phủ vắc-xin từng người dân trong từng độ tuổi theo quy định, không chỉ dựa vào số liệu thống kê. Ưu tiên tiêm vắc-xin cho người có nguy cơ cao như thai phụ, người trên 50 tuổi, béo phì và lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch", Tuổi Trẻ dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu.
Trước thắc mắc của nhiều người về loại vắc-xin mũi 3 nào phù hợp với 2 mũi trước, ông Dũng cho hay theo lý luận khoa học, loại mũi tiêm tăng cường nào là phù hợp thì phải dựa trên nghiên cứu thực nghiệm.
Cụ thể, các nghiên cứu cho thấy, vắc-xin tăng cường (mũi 3) cùng loại vắc-xin cơ bản (mũi 1 và mũi 2) đối với Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Số liệu khoa học công bố gợi ý có thể thay đổi chéo loại vắc-xin mũi 3 và vắc-xin mũi 1, 2 giữa các vắc-xin Pfizer, Moderna, AstraZeneca.
Nghiên cứu trên quy mô hẹp hơn cho thấy có thể tiêm chéo giữa vắc-xin VeroCell và AstraZeneca hay VeroCell và Pfizer (nghiên cứu ở Thái Lan), giữa vắc-xin Sputnik V và AstraZeneca (nghiên cứu ở Nga).
Riêng vắc-xin VeroCell của Sinopharm (Trung Quốc) tuy an toàn cao nhưng hiệu lực có thể hơi yếu ở người cao tuổi. Vì vậy, nếu liều cơ bản là vắc-xin VeroCell nên được tiêm mũi tăng cường bằng vắc-xin công nghệ mới như AstraZeneca hoặc Pfizer.
Nói về việc tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, 4 (mũi 3 tăng cường, mũi 4 củng cố) vào năm 2022 cho người dân, PGS.TS Dũng cho rằng cũng cần phải nghiên cứu đánh giá. Nhưng có thể vào năm 2022, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin giảm xuống, nhiều người mắc bệnh thì phải tiêm. Nếu lúc đó miễn dịch tuy giảm nhưng không ai mắc bệnh thì cũng không cần tiêm.
Minh Hoa (t/h)