Liên quan vụ thuốc kém chất lượng được dư luận quan tâm, Dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý Dược, sở Y tế TP.HCM cho biết, công tác quản lý, giám sát thuốc giả, thuốc kém chất lượng là công việc thường xuyên theo quy định của sở Y tế TP.HCM.
Hằng năm, sở Y tế chỉ đạo trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm TP.HCM lấy mẫu đầu nguồn các loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm ở những đơn vị nhập khẩu, cũng như mẫu cuối nguồn tại cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra chất lượng nguồn thuốc.
Năm 2015, qua công tác kiểm tra, sở Y tế TP.HCM phát hiện một mẫu thuốc giả. Năm 2016, Sở lấy 530 mẫu thuốc, trong đó có 3 mẫu thuốc không đạt chất lượng. Thuốc không đạt chất lượng thuộc dạng thuốc y học cổ truyển, có nguồn gốc từ dược liệu.
Ông Dũng cho biết thêm, hằng năm, sở Y tế có chỉ đạo cho trung tâm Kiểm nghiệm xây dựng kế hoạch để kiểm tra giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn, hoặc chỉ đạo đột xuất khi nhà sản xuất có những sản phẩm làm bao bì giả.
Khi người tiêu dùng, cơ sở khám chữa bệnh nghi ngờ thuốc kém chất lượng báo cáo về, sở Y tế cũng đều chỉ đạo lấy mẫu, kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Trong quá trình kiểm nghiệm, cơ quan chức năng đã phát hiện có những sản phẩm bị làm giả. Chẳng hạn, sau khi đấu thầu thuốc năm 2014, dư luận cho rằng thuốc đấu thầu kém chất lượng, sở Y tế TP.HCM chỉ đạo lấy 92/1.211 mẫu thuốc, kết quả kiểm nghiệm đạt chất lượng 100%.
Nói về lô thuốc công ty VN Pharma trúng thầu tại trung tâm Đấu thầu thuốc của sở Y tế TP.HCM, ông Dũng cho biết: "Năm 2014, khi VN Pharma trúng thầu thuốc H-Capita của sở Y tế, cục Quản lý Dược có thông tin nghi ngờ số thuốc giả mạo hồ sơ. Sau đó, cục Quản lý Dược, cơ quan chức năng đã tiến hành niêm phong lô hàng, cấm lưu hành toàn bộ thuốc.
Vì vậy, 9.300 hộp thuốc H-Capita không vào bệnh viện nào ở TP.HCM, cũng chưa có bác sĩ nào kê đơn và chưa có bệnh nhân nào sử dụng. Riêng 7 loại thuốc kháng sinh, sau khi cục Quản lý Dược rút số đăng ký, chúng tôi có kiểm tra lại, 7 loại thuốc này chưa vào bệnh viện nào của TP.HCM", ông Dũng cho biết.
Về tình trạng thuốc giả, ông Dũng phân tích: "Với tình hình mới hiện nay, TP.HCM là trung tâm sản xuất phân phối thuốc chiếm thị phần rất lớn. Do đó, quá trình quản lý, giám sát, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Thách thức lớn nhất hiện nay là thuốc giả ngày càng tinh vi, mẫu mã bao bì đẹp, rất khó phát hiện bằng cảm quan.
Thông qua công ty sản xuất thuốc, nhà sản xuất phát hiện sản phẩm của họ bị làm giả, người tiêu dùng cũng như nhà phân phối phản ánh cơ quan chức năng, bác sĩ điều trị thấy dấu hiệu bất thường thì sở Y tế mới tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm để có kết luận là thuốc kém chất lượng hay thuốc giả.
Thuốc là lĩnh vực rất phức tạp nên đòi hỏi phải có sự kết hợp liên ngành y tế, công an, quản lý thị trường. Vấn đề nữa, tình trạng mua bán thuốc lòng vòng, không có hóa đơn chứng từ là điều kiện thuận lợi để thuốc không có nhãn mác, không bao bì rõ ràng kém chất lượng tồn tại.
Để giải quyết vấn đề này đòi hòi phải có sự chỉ đạo từ cơ quan quản lý Nhà nước về mặt y tế cũng như cơ quan ban ngành liên quan, hỗ trợ của ban ngành đoàn thể, người dân và truyền thông để cùng nhau phát hiện thuốc kém chất lượng, thuốc giả".
Ông Dũng khẳng định thêm: “Hiện nay, TP.HCM có 1.145 công ty sản xuất kinh doanh thuốc trên địa bàn, có 6.500 nhà thuốc, địa bàn lớn, các nhà phân phối bán buôn rất nhiều. Công việc này cần có sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và người dân.
Hiện nay, số lượng nhân lực ngành Y tế luôn thiếu, để quản lý giám sát tại một thành phố lớn như thế này cần có nhiều nhân lực, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực để quản lý về thuốc tốt hơn".