Sốc phản vệ - nỗi kinh hoàng của bác sỹ!

Sốc phản vệ - nỗi kinh hoàng của bác sỹ!

Thứ 3, 03/01/2017 12:07

Sốc phản vệ (SPV) thường diễn ra trong một vài phút sau tiêm, truyền thuốc... Nó không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng lại diễn ra nhanh khiến bác sỹ khó lòng xoay sở... Nó là nỗi ám ảnh kinh hoàng...

 Nhanh và nguy hiểm

Để có được những cảm giác thực khi nói về các tình huống SPV thì có thể nói chính các bác sĩ, điều dưỡng trong chuyên ngành gây mê hồi sức tại các bệnh viện là những... nhân chứng sống. Ghi nhận từ các con số thống kê tại khoa Hồi sức cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Xanh Pôn... số bệnh nhân nhập viện do sốc phản vệ gần đây tăng lên nhiều.

GS. TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Các trường hợp SPV thường gặp do thuốc (đặc biệt lưu ý với thuốc tiêm, truyền tĩnh mạch), côn trùng đốt, hóa mỹ phẩm. Và nhiều trường hợp SPV do thực phẩm như trái cây, sữa... Ngoài ra, các bác sĩ cũng gặp những bệnh nhân sốc phản vệ do ăn trứng, hải sản, nhộng”.

Các bệnh - Sốc phản vệ - nỗi kinh hoàng của bác sỹ!

 Một bệnh nhân được gây mê chuẩn bị phẫu thuật

“Chúng tôi từng tiếp nhận một bệnh nhi 14 tuổi, nhập viện điều trị sốc phản vệ sau bữa cơm với nhộng rang. Bệnh nhi vào viện trong tình trạng khó thở rất nặng, da đỏ, huyết áp tụt, phù, hôn mê. Cứ giảm liều thuốc điều trị thì lập tức lại tăng mức khó thở trở lại. Bác sĩ phải điều trị liên tục trong 7 ngày bệnh nhân mới tỉnh”, GS. TS Nguyễn Gia Bình cho hay.

Bác sĩ Đoàn Mạnh Nam - Điều dưỡng trưởng, khoa Khám bệnh – bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Nguy hiểm của SPV là gây phù hạ họng, thanh quản, phản ứng co thắt phế quản rất mạnh khiến đường thở bị chít hẹp, bệnh nhân không thở được gây thiếu ô xy đến các cơ quan, đặc biệt là thiếu ô xy não. Phản ứng này cũng gây giãn mạch làm giảm lưu thông máu, nếu không khắc phục sớm sẽ gây mất não, tử vong. 80% sốc phản vệ có dấu hiệu ngoài da (đỏ, ngứa), sau đó mới khó thở, trụy mạch, co thắt phế quản”.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nam có người biểu hiện khó thở, trụy mạch ngay lập tức, sau đó mới mẩn ngứa. Đặc biệt, với thuốc tiêm truyền thì phản ứng sốc phản vệ xảy ra rất nhanh; còn sốc do dị ứng thức ăn thì chậm hơn. Bác sĩ Nam cũng cho biết thêm: “Hiện nay, do số bệnh nhân có chỉ định tiêm truyền dịch, thuốc, chế phẩm máu tăng nên tần suất bệnh nhân bị sốc phản vệ cũng tăng. Chi phí thuốc cấp cứu sốc phản vệ không đắt tiền, nhưng quan trọng là phải rất nhanh, thời gian tính bằng giây”.

Ghi nhận tại trung tâm Gây mê và Hồi sức – bệnh viện Việt Đức cũng cho thấy, các bác sĩ, điều dưỡng làm nhiệm vụ gây mê hồi sức luôn tập trung cao độ vào các ca phẫu thuật... Việc gây mê cho bệnh nhân đảm đảo để kíp mổ thực hiện thành công. GS.TS Nguyễn Quốc Kính - Giám đốc Trung tâm cho biết, trong mỗi ca phẫu thuật, việc gây mê, gây tê, hồi sức cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, chính xác, nếu không sẽ xảy ra những tai biến khôn lường.

Trong giai đoạn này luôn tiềm ẩn nguy cơ SPV. Vì thế, bác sĩ gây mê phải bằng mọi cách tiên lượng để cuộc mổ an toàn, đánh giá tình trạng từng bệnh nhân không chỉ dựa vào các kiến thức mà còn bằng chính sự nhạy cảm và trải nghiệm nghề nghiệp. 

Sau ca mổ, phẫu thuật viên đã có thể tháo găng, cởi đồ. Lúc này, bệnh nhân được chuyển qua phòng Hồi sức và đương nhiên ê-kíp bác sĩ gây mê hồi sức vẫn tiếp tục nhiệm vụ. Theo GS. Kính, lúc này, những bệnh nhân bước vào “phần 2” của quá trình điều trị: Hồi sức, giảm đau sau mổ.

“Đây là thời điểm bệnh nhân rơi vào trạng thái yếu nhất, bất cứ sai lầm nào trong chăm sóc đều phải trả giá bằng sinh mạng. Mỗi biến đổi nhỏ về chỉ số nhịp tim, huyết áp của người bệnh đều khiến bác sĩ gây mê cũng như những thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân "vã mồ hôi hột"- GS.TS Kính cho biết. 

Cần một sự công tâm

Có thể nói, SPV luôn là nỗi kinh hoàng cho tất cả các bác sĩ đang làm việc trong các bệnh viện. Nó cũng chính là nguyên nhân gây áp lực cực lớn đối với ngành y tế, đối với các quản lý bệnh viện mỗi khi SPV cướp đi tính mạng của người bệnh. Việc nhiều trẻ tiêm chủng vắc xin bị mất cũng có nguyên nhân từ SPV hay những trường hợp thai phụ, bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các phòng khám, bệnh viện... đột tử cũng từ nguyên nhân SPV...

Tuy nhiên mỗi khi đưa nguyên nhân gây tử vong do SPV thì tâm lý đa phần của người nhà bệnh nhân, công chúng đều tỏ ra nghi ngờ. PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội phân tích: “Trong nghề của chúng tôi không ai có thể nói trước được 100% các ca phẫu thuật và thủ thuật sẽ thành công”.

Các bệnh - Sốc phản vệ - nỗi kinh hoàng của bác sỹ! (Hình 2).

 Sốc phản vệ luôn là nỗi ám ảnh của các bác sỹ

Theo PGS. Hiếu, tai biến trong y khoa đã được đề cập trong nhiều phân tích. Hầu như ai trong chúng ta cũng biết sự cố không mong muốn trong y khoa luôn hiện hữu ngay cả ở các nước rất phát triển (Mỹ có gần 100.000 bệnh nhân tử vong hàng năm cao hơn tử vong do tai nạn giao thông, ung thư vú và HIV). Báo cáo của bộ Y tế Anh cho thấy, sự cố y khoa chiếm khoảng 10% số ca nhập viện, vậy các bạn có thể ước tính với trình độ y tế của Việt Nam thì con số này sẽ khủng khiếp như thế nào.

“Vấn đề tôi muốn bàn đến ở đây là thái độ của các bên khi sự cố xảy ra và cách nào làm giảm bớt các biến cố đáng tiếc. Khi bệnh nhân và người nhà biết có biến chứng vừa xảy ra thì phản ứng tự nhiên luôn là từ chối trả lời, giữ khoảng cách, cảm giác giận dữ, bị phản bội, luôn thường trực suy nghĩ bác sĩ không trung thực và do đó thúc đẩy ý tưởng kiện cáo. Còn bác sĩ thì sao? Cảm giác xấu hổ, sợ hãi thậm chí hoảng loạn nghi ngờ chính bản thân mình.

Họ lo lắng cho danh tiếng bản thân mình, về khả năng xảy ra các sai sót đấy trong tương lai và dần dần sẽ hết yêu nghề, mất tự tin trong công việc. Những phản ứng ấy xảy ra ở tất cả các bác sĩ, càng bác sĩ giỏi có kinh nghiệm phản ứng càng nặng nề hơn”, vị Phó giáo sư chia sẻ.                                  

 Vi Hậu

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.