Hàng chục nghìn mét vuông đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn bị chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi xây dựng công trình kiên cố bắt nguồn từ những sai phạm trong quản lý đất rừng từ hàng chục năm trước. Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và TP. Hà Nội những năm qua đã chỉ ra cụ thể vi phạm nhưng địa phương chậm khắc phục.
Việc tiếp tục buông lỏng quản lý khiến Sóc Sơn không kịp ngăn chặn, xử lý các công trình xây dựng vi phạm, trong đó có Phủ Thành Chương, nhà gia đình ca sĩ Mỹ Linh…
Cấp sổ đỏ tràn lan trên đất rừng phòng hộ
Theo tìm hiểu, công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn (tiền thân là Lâm trường thực nghiệm Sóc Sơn) được giao quản lý, sử dụng hơn 2.000 ha đất thuộc địa bàn 8 xã của huyện Sóc Sơn. Ban đầu, diện tích rừng chỉ là hơn 200 ha. Từ 1988 đến 1993, với sự hỗ trợ của tổ chức Nông lương thế giới, hầu hết diện tích công ty quản lý đã được phủ xanh.
Giai đoạn này, UBND Hà Nội cho các hộ gia đình mượn đất trống, đồi trọc để phát triển kinh tế đồi rừng nên lâm trường đã vận động lập trại làm vườn, trồng cây ăn quả. Tính đến 2005, công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn đã bàn giao 1.800 ha đất rừng cho 211 hộ gia đình và cá nhân theo hình thức giao khoán bảo vệ.
Sai phạm về quản lý, sử dụng đất rừng diễn ra khi chính quyền rà soát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được giao khoán đất rừng và nhận chuyển nhượng lại. Như ông Vũ Văn Hòa (nguyên Giám đốc Lâm trường Sóc Sơn) được lâm trường giao 4.000 m2 đất. Sau khi được UBND huyện cấp “sổ đỏ” cho phần diện tích hơn 3.900 m2, gia đình ông Hòa đã xây nhà kiên cố, chuồng chăn nuôi, vườn cây ăn quả.
Ông Vũ Văn Tụng (nguyên Phó Giám đốc Lâm trường Sóc Sơn) do không có nhà ở nên cũng sử dụng đất của lâm trường. Đến năm 1997, ông được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 4.300 m2 đất ở thời hạn sử dụng lâu dài. Huyện Sóc Sơn báo cáo đã hiệu chỉnh “sổ đỏ” xuống còn 400 m2 đất ở, phần còn lại là đất vườn rừng. Nhưng năm 2005, khi sở TN&MT Hà Nội thanh tra, ông Tụng vẫn sử dụng “sổ đỏ” cấp năm 1997.
Phần đất của gia đình ca sĩ Mỹ Linh ở xã Minh Phú cũng có tên trong kết luận thanh tra. Nhận chuyển nhượng hơn 12.000 m2 đất từ một công nhân lâm trường, gia đình ca sĩ Mỹ Linh sau đó được UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích 600 m2. Từ đó, gia đình bà Linh đã xây nhà, phòng thu âm, bể bơi…
Anh trai và chị gái nữ ca sĩ này cũng nhận chuyển nhượng hơn 5.000 m2 đất có nguồn gốc là đất lâm trường, sau đó được cơ quan chức năng cấp “sổ đỏ” sử dụng lâu dài cho 600 m2. Khu đất này sau đó mọc lên 2 căn nhà kiên cố cao 2 và 2,5 tầng.
Chậm thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ
Trước năm 2005, Sóc Sơn đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 229 hộ, cá nhân nằm trên diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng. Trong đó, riêng diện tích thuộc quản lý của công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn là 123 hộ.
Năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu địa phương rà soát các trường hợp được cấp “sổ đỏ” trên đất rừng phòng hộ và đặc dụng, từ đó hiệu chỉnh đúng hạn mức và thu hồi toàn bộ diện tích cấp đất không đúng.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của sở TN&MT Hà Nội năm 2013, việc điều chỉnh diện tích đất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đất rừng còn chậm, chưa triệt để. Khi Thanh tra Chính phủ yêu cầu Sóc Sơn huy động lực lượng cơ sở ngăn chặn việc xây dựng trái phép, địa phương không chỉ đạo tích cực.
Để xảy ra vi phạm trên, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng, các phòng ban và công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn. Tình trạng người dân nhận giao đất lâm nghiệp tự chuyển đổi mục đích sử dụng tràn lan xuất phát từ việc buông lỏng quản lý của chính quyền. Còn cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng thiếu sâu sát nên không phát hiện, ngăn chặn các công trình nhà ở, cơ sở kinh doanh xây trên đất rừng phòng hộ và đặc dụng.
"Cá biệt, nhiều trường hợp xây dựng không phép với diện tích lớn nhưng không bị xử lý như Phủ Thành Chương (ở xã Hiền Ninh), nhà ca sĩ Mỹ Linh, bà Đỗ Mỹ Dung, ông Đỗ Trọng Khánh (ở xã Minh Phú)…", kết luận thanh tra của sở TN&MT Hà Nội nêu.
Rừng phòng hộ tiếp tục bị "xẻ thịt" làm biệt phủ
Các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và TP. Hà Nội đều yêu cầu Sóc Sơn và đơn vị liên quan xử lý nghiêm vi phạm về sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tuy nhiên, những năm qua, chính quyền tiếp tục để xảy ra vi phạm với tính chất nghiêm trọng hơn trong khi việc thực hiện kết luận thanh tra rất chậm, chưa triệt để.
Gần đây, tình trạng chuyển nhượng đất rừng ồ ạt diễn ra ở Sóc Sơn. Riêng tại hai xã Minh Trí và Minh Phú, từ năm 2015 đến nay, nhiều cá nhân đến thu mua, gom đất với tổng diện tích lên đến hàng chục ha để xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng...
Trong số 61 công trình vi phạm được huyện Sóc Sơn phát hiện gần đây có 27 công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí; 18 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất rừng phòng hộ thuộc thôn Lâm Trường, xã Minh Phú.
Trước những vi phạm tiếp diễn, UBND Hà Nội giao Thanh tra Hà Nội tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, tại xã Minh Trí và xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) và việc thực hiện các nội dung của kết luận Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Hà Nội.
Trong thời gian thanh tra, UBND Hà Nội yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn có biện pháp ngăn chặn, đình chỉ tuyệt đối các công trình vi phạm đang thi công vi phạm, không để xảy ra sai phạm mới.
Dù vậy, theo ghi nhận những ngày qua, tại một số công trình xây trên đất rừng ở Sóc Sơn như khu sinh thái Thiên Phú Lâm, việc xây dựng vẫn diễn ra.
Theo Zing.vn