Cây lạ như lúa, chỉ ăn được củ?
Những ngày qua, dư luận tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng xôn xao về sự xuất hiện của loại thực vật lạ giống hệt cây lúa nước. Nhiều nông dân tò mò tìm kiếm giống cây lạ về trồng dù chưa biết kỹ thuật cũng như lợi ích thật sự.
Ông N.Đ.T., một nông dân ngụ xã Đại Hải, huyện Kế Sách cho biết: “Nhiều người đưa loại cây lạ về trồng nhưng chưa ai biết nó thuộc giống gì. Tôi nhìn rất giống cây lúa. Không những chỉ giống về hình thức, loại cây lạ cũng thích nghi trong môi trường nước giống như cây lúa. Thậm chí, loại cây này còn dễ trồng hơn lúa, phát triển nhanh và nhiều”.
Trong khi đó, bà L.T.S. (ngụ xã Đại Hải, huyện Kế Sách) cho biết thêm, loại cây lạ được lấy về từ TP.HCM. Tuy nhiên, nhiều người khẳng định, cây này có thể xuất phát từ Đài Loan.
“Tôi nghe nói một người trong xã đi dự tiệc cưới của người thân ở TP.HCM được thưởng thức một món ăn chế biến từ loại cây lạ. Người này ăn thấy ngon nên đã tìm hiểu và mua giống đem về quê trồng.
Lúc đầu, họ chỉ trồng một ít quanh nhà để dùng thử. Thế nhưng, loại cây lạ phát triển rất nhanh, một cây có thể sinh thêm vài cây khác. Nghe đâu ăn được cả thân lẫn củ nên nhiều người tìm đến xin giống về trồng”, bà S. nói.
Trước đó, một số nông dân cho rằng, thân và củ cây lạ ăn rất ngon, có thể chế biến thành một món xào riêng hoặc chung với thực phẩm khác. Được biết, tại xã Đại Hải, hộ ông Nguyễn Văn Sử đã nhân rộng thực vật lạ ra khoảng 1.000 m2 trên diện tích trồng lúa nước của gia đình. Hiện tại, nhiều cây tại ruộng ông Sử đã ra bông.
Theo lời người dân, hộ ông Sử cũng chỉ lấy lại giống cây lạ từ một người khác mang giống về.
“Người ta nói củ của cây này bán rất đắt. Họ không mua thân cây nhưng nhiều người ăn thử thấy có vị ngọt và tỏ ra thích thú. Không biết thực hư thế nào nhưng nếu cứ dồn dập thông tin truyền miệng về giá thành của loại cây này, tôi tin sẽ có người bỏ lúa trồng cây lạ”, một người dân tỏ ra hoang mang.
Ngành chức năng lo lắng
“Một đồn mười, mười đồn trăm”, không biết từ lúc nào, xã Đại Hải bỗng chốc xuất hiện trên diện rộng loại cây lạ. Hiện nay, loại cây này đã tràn ngập nhiều cánh đồng.
Ông H.V.C. (ngụ ấp Hậu Bối, xã Đại Hải) cho biết: “Nhiều người dân nghe đồn loại cây lạ có giá trị kinh tế cao nên bỏ đi một phần diện tích đất trồng lúa để nhân giống mới. Loại cây giống lúa này dễ trồng, nhìn rất ưa mắt. Nhìn từ đằng xa, nhiều người không biết sẽ nhầm tưởng vườn trồng cây lạ là lúa nước. Thật sự, nhiều thông tin trái chiều về giống cây mới khiến nông dân nơi đây hoang mang”.
Theo quan sát của PV, loại thực vật lạ được nông dân ở xã Đại Hải đem về trồng thoạt nhìn trông giống lúa nhưng thân cây to và cao hơn nhiều so với cây lúa thường thấy.
Nông dân nơi đây trồng cây lạ dưới nước không khác gì so với trồng lúa. Cây trồng mới này cũng trổ bông và ra hạt giống hệt lúa khiến nông dân càng thêm thích thú và tò mò. Hạt cây này cũng được tạo thành giống mới.
Tuy nhiên, theo nông dân, họ chưa dùng hạt để ăn mà chỉ dám ăn củ của cây. Trước thực trạng nhiều hộ tìm giống trồng cây lạ, nhiều chuyên gia nông nghiệp lo lắng sẽ có người bỏ lúa trồng cây mới.
Một nông dân trồng cây lạ cho biết, tính từ khi trồng đến lúc thu hoạch là 2 tháng và chỉ lấy củ.
Liên quan đến sự xuất hiện của loài thực vật lạ, ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết, thực vật giống cây lúa cao khoảng 2m, xuất hiện chủ yếu tại ấp Hậu Bối (xã Đại Hải, huyện Kế Sách).
Ông Quan cũng khẳng định, loài thực vật lạ đang gây xôn xao dư luận địa phương những ngày qua giống lúa thuộc họ hòa thảo (Poaceae) nhưng không cùng chi Oryza với cây lúa hay lúa hoang mà ta thường thấy ở Việt Nam.
Ông Quan cho biết: “Khi chưa xác định được lợi ích của cây lạ, chúng ta vẫn phải đề phòng sự ảnh hưởng của chúng. Việc nông dân đang tò mò về thực vật lạ cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý”.
Vị này khẳng định, ngành chức năng địa phương sẽ vào cuộc tìm hiểu để hỗ trợ nông dân hết mức có thể, tránh việc mọi người hiểu về cây trồng một cách mơ hồ.
“Tại ruộng trồng thực vật lạ của hộ ông Sử, chúng tôi đã cho hủy hết các nhánh ra bông. Bởi, chúng tôi sợ hạt phát tán theo gió nên chỉ giữ lại 10 bông và dùng túi bao lại để xem giống này đậu như thế nào. Sau đó, chúng tôi sẽ đưa ra hướng xử lý”, ông Quan chia sẻ.
Trong khi đó, ông Quan cho biết, khi phân tích lời kể của chủ nhà về việc xin giống từ một nhà hàng tại TP.HCM, ông nhận thấy không hợp lý. Bởi, các quán ăn hay nhà hàng ít khi giữ lại gốc rễ những loại thực vật làm thức ăn.
Người mang giống về trồng là chị Kim Hương. Được biết, chị Hương lấy chồng Đài Loan. Việc chị có chồng ngoại quốc khiến một số hộ ở địa phương cho rằng, người phụ nữ này đưa giống cây lạ từ nước ngoài về quê trồng.
Đại diện phòng NN&PTNT cũng tỏ ra lo ngại khi chứng kiến loài thực vật lạ dễ rụng hạt và phát tán trên diện rộng.
Sau khi quan sát kỹ về loài cây lạ xuất hiện ở Sóc Trăng, một người Việt kiều Đài Loan cho hay, thực vật lạ gây hoang mang cho nông dân Việt rất giống một loại lúa hoang ở Đài Loan. Ở nước này, sự xuất hiện những cây lúa hoang khiến nông dân lo ngại.
Ông Trần Minh Khá, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hải, huyện Kế Sách cho biết, khi người dân mới trồng, ông thấy chỉ một bụi nhỏ như lúa. Tuy nhiên, sau này, nông dân nhân rộng cả về giống lẫn diện tích trồng. Mỗi bụi có từ 5 đến 7 tép và mỗi tép bằng ngón tay út.
Liên quan đến vụ việc, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, ông đã dẫn đầu đoàn khảo sát loài thực vật lạ được người dân trồng tại ấp Hậu Bối.
“Thực vật có lá như lúa, thân giống như cây bồn bồn, cao 2m và bông dài khoảng 80cm. Chúng tôi đã gửi mẫu đến viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long để định dạng, phân loài rồi mới có hướng xử lý. Trước mắt, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không được tiếp tục nhân giống khi chưa công bố kết quả”, ông Quyết thông tin.
Võ Đoàn