Vào năm 2022, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nàng tiên cá dài khoảng 30,5cm, nằm bên trong một chiếc hộp gỗ kín trong ngôi Đền Enju-in ở thành phố Asakuchi, tỉnh Okayama, Nhật Bản. Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu cho rằng nó được làm từ thân và đầu của một con khỉ được khâu vào cơ thể của một con cá đã chặt đầu.
Sinh vật lai ám ảnh này, giống Ningyo trong thần thoại Nhật Bản — một sinh vật giống cá có đầu người được cho là có khả năng chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ. Một số mẫu vật tương tự đã được tìm thấy trên khắp Nhật Bản và được lưu giữ trong nhiều bảo tàng và đền thờ trên khắp đất nước.
Một lá thư bên trong hộp của “xác ướp nàng tiên cá” tuyên bố rằng mẫu vật này đã bị một ngư dân bắt được vào khoảng giữa năm 1736 và 1741. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng nó có thể được tạo ra trong nhiều thập kỷ sau đó như một trò lừa bịp để bán cho những người giàu có muốn cải thiện sức khỏe hoặc sống lâu hơn.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Nghệ thuật Kurashiki (KUSA) ở Nhật Bản đã sở hữu “nàng tiên cá” xác ướp trên vào đầu tháng 2/2022 và bắt đầu nghiên cứu cổ vật kỳ lạ bằng nhiều kỹ thuật bao gồm X-quang và CT (chụp cắt lớp vi tính) quét, xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, kính hiển vi điện tử và phân tích DNA.
Vào ngày 7/2/2023, nhóm nghiên cứu cuối cùng đã công bố phát hiện của mình trong một tuyên bố của KUSA. Và những gì họ phát hiện ra về “nàng tiên cá” thậm chí còn kỳ lạ hơn cả mong đợi.
Kết quả cho thấy phần thân của “nàng tiên cá” không thuộc về loài khỉ mà chủ yếu được làm từ vải, giấy và bông được giữ với nhau bằng các chốt kim loại chạy từ cổ xuống lưng. Nó cũng được sơn bằng hỗn hợp cát và than củi.
Tuy nhiên, phần thân được bao phủ bởi các bộ phận tước từ các động vật khác. Lông và da cá của động vật có vú, có thể là từ một con cá nóc, bao phủ các bộ phận của cánh tay, vai, cổ và má. Hàm và răng của nàng tiên cá cũng có khả năng được lấy từ một loài cá săn mồi và móng vuốt của nó được làm từ chất sừng. Nửa dưới của “nàng tiên cá” là của một loài cá, có khả năng là một loài cá đù.
Các nhà nghiên cứu không thể xác định bất kỳ DNA hoàn chỉnh nào của nàng tiên cá, nhưng việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của vảy cho thấy chúng có thể có niên đại từ đầu những năm 1800.
Các nhà nghiên cứu viết rằng phân tích mới cho thấy rằng nàng tiên cá rất có thể được tạo ra để lừa những người tin vào Ningyos và khả năng chữa bệnh được cho là có thật. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy rằng những kẻ lừa đảo đằng sau việc tạo ra cũng đã nỗ lực rất nhiều để tạo ra một mẫu vật giả như thật.
Hiện có khoảng 14 "nàng tiên cá" khác đã được tìm thấy ở Nhật Bản và các nhà khoa học hy vọng sẽ có thể phân tích những mẫu vật khác để so sánh.
Quốc Tiệp (theo Newsweek, Livescience)