Nói về Sofia Coppola là nói về một nữ đạo diễn trẻ tuổi, là con gái của thiên tài điện ảnh Fancis Coppola (tác giả của Bố già, Ngày tận thế) với những bộ phim vô cùng ấn tượng, đầy ẩn ý. Nói về Sofia là nói về một nữ đạo diễn của những giải thưởng điện ảnh lớn. Và cuối cùng nói về Sofia là nói tới một thứ điện ảnh không chỉ đơn thuần là một môn nghệ thuật thỏa mãn những thể nghiệm của nghề nghiệp cá nhân mà còn chan chứa một tinh thần nhân văn, tôn vinh cái đẹp từ những điều tưởng chừng bình dị và nhỏ bé nhất
Đạo diễn Sofia
Là con gái của nhà làm phim nổi tiếng Francis Ford Coppola, Sofia Coppola từng giành giải Oscar Kịch bản xuất sắc nhất với phim Lost in translation.Cô dàn dựng bộ phim mới Somewhere của mình một phần dựa vào những trải nghiệm riêng khi còn là một cô bé rong ruổi theo người cha nổi tiếng từ khách sạn này sang khách sạn khác. “Cảm ơn cha nhiều trong việc dạy dỗ con”, Coppola đã thốt lên sung sướng khi lên nhận giải Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice năm 2010.
Tuổi thơ đồng hành cùng điện ảnh
Sinh vào mùa xuân năm 1971 tại miền Bắc bang California của Mỹ, cô là con gái thứ ba và cũng là duy nhất của đạo diễn Fancis Coppola và Eleanor một nghệ sĩ dựng phim trường. Gia đình cô được mệnh danh "bộ tộc Coppola" nổi tiếng và quyền lực của Hollywood. Ông cô - Carmine Coppola là nhạc sỹ, đã tham gia sáng tác nhạc phim cho con trai. Đó là chưa kể đến anh họ cô là diễn viên Nicolas Cage và nhiều người khác nữa.
Ở tuổi thiếu niên, Sofia Coppola đã xuất hiện trên các tạp chí cho các bạn gái tuổi mới lớn, trong đó có Seventeen. Năm 15-16 tuổi, cô sang Pháp thực tập tại hãng thời trang danh tiếng Chanel suốt hai mùa hè liên tục. Sau khi thực tập tại Chanel hồi những năm1980, tôi về thị trấn nhỏ của mình ở Thung lũng Napa, nhưng tôi đã đổi thay mãi mãi
Ngay từ khi mới lọt lòng, Sofia đã được bố cho tiếp xúc ngay với bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Cô được chọn vào vai con gái Micheal Fancis Rizzi của gia đình trùm Mafia nổi tiếng nhất trong siêu phẩm The godfather1 vào năm 1972.
Hai năm sau đó, cô lại tiếp tục được bố mình cho xuất hiện trong phần hai của phim. Sau đó, Sofia lại thủ vai trong hàng loạt các bộ phim tiếp theo của Fancis Coppola như: The outsiders (1983), Rumble fish (1983), The cotton Club (1984), Peggy Sue got married (1986) và The godfather3 (1990) cùng khá nhiều các bộ phim của các đạo diễn nổi tiếng khác của Hollywood.
Tuy nhiên sự nghiệp diễn viên không thành công đã khiến con đường đến với nghệ thuật điện ảnh của Sofia thêm chông chênh và có nhiều thử thách. Cơn ác mộng đầu tiên cản trở bước tiến của cô gái trẻ này chính là hai giải Razzie dành cho Ngôi sao dở nhất và Diễn viên phụ tồi nhất vào năm 1991 trong bộ phim The godfather3 cũng được coi là tệ nhất trong 3 phần của seri về trùm mafia của cha cô. Thậm chí có nhà phê bình người Mỹ gọi vai diễn Mary Corleone của cô là “Sự sai lầm chết người”.
Nhận ra nghề diễn viên dường như không phù hợp với mình, chính bản thân cô gái trẻ tóc vàng này thừa nhận “Hóa thân và diễn xuất trong một vài nhân vật nào đó theo sự sắp đặt của đạo diễn thực sự không phù hợp với tôi”. Có lẽ chính cú ngã đau đầu tiên trong hành trình làm nghệ thuật đã thôi thúc, đẩy Sofia sang một hướng đi mới, một cách tiếp cận mới khác hẳn vai trò của diễn viên trong điện ảnh.
Bằng tình yêu với những thước phim tha thiết, cô quyết định ghi tên mình vào khoa nghệ thuật tạo hình tại học viện nghệ thuật New Yord để theo đuổi và đi tiếp con đường của người cha là trở thành một đạo diễn điện ảnh. Sự thay đổi ấy đã trở thành bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Sofia. Cô đã quên dần những nỗi buồn của nghề diễn viên không thành công để bắt đầu hành trình chinh phục những đỉnh cao trong vai trò một đạo diễn vốn đầy khắc nghiệt tại Hollywood.
Sofia và cha, đạo diễn Francis Ford Coppola nổi tiếng
Tạo một ngôn ngữ điện ảnh mới
Những năm tháng theo cha đi khắp thế giới để làm phim, những kinh nghiệm giắt tay có được từ nghề diễn viên cộng với bản năng nghệ thuật nhạy cảm, sự nỗ lực không ngừng, kiến thức điện ảnh thu nạp được từ trường đại học đã giúp Sofia hình thành nên một tư duy điện ảnh khác hẳn với các đạo diễn trẻ cùng thời. Cô không chỉ cố gắng vượt qua giới hạn của sự sáng tạo thông thường trong điện ảnh mà còn bộc lộ cái nhìn riêng, một ngôn ngữ điện ảnh rất mới mẻ.
Chọn nghề đạo diễn phim quả là một quyết định đúng đắn hơn đối với Sofia trên con đường điện ảnh. Các bộ phim ra đời sau đó của cô là "Marie Antoinette" (2006), "Lost in Translation" (2003) gây được tiếng vang lớn trong giới hoạt động nghệ thuật. Cô từng đoạt "Giải thưởng Hollywood dành cho Đạo diễn trẻ xuất sắc", "Giải thưởng Điện ảnh MTV dành cho nhà làm phim trẻ xuất sắc" cùng nhiều giải thưởng chuyên ngành khác.
Bộ phim ngắn đầu tay do chính Sofia viết kịch bản và đạo diễn là Lick the star (1998) khá thành công và nhận được nhiều lời khen ngợi của giới chuyên môn và khán giả. Từ phim ngắn đầu tay, Sophia như được tiếp thêm sức mạnh. Ngọn lửa đam mê với điện ảnh dẫn dắt cô tới với bộ phim thứ hai trong vai trò đạo diễn là The Virgin Suicides (1999). Bộ phim truyện này đã gặt hái thêm nhiều những đánh giá tích cực từ phía các nhà phê bình.
Mặc dù lúc đầu bị cha mình ngăn cản quyết liệt việc lấy cuốn tiểu thuyết này để chuyển hóa từ ngôn ngữ văn chương sang điện ảnh nhưng Sofia vẫn một mực giữ lập trường của mình. Chính vì vậy mà cái tên Sophia dần dần được nhiều người biết tới. Bộ phim với những góc quay đẹp mê hồn, màu sắc trữ tình, tinh tế phả vào từng chi tiết, hơi thở nhẹ nhàng mà quyến rũ của đời sống ngoại thành nước Mỹ những năm 70 được tái hiện qua bàn tay rất khéo léo của Sofia.
Thời báo New York Post mô tả bộ phim Tuyệt vời và hòa trộn những yếu tố trái ngược một cách tài tình và điêu luyện. Sự nghiệp đạo diễn của Sofia đã có những khởi đầu thuận lợi và không thể tốt hơn.
Phong độ ổn định và tài năng làm phim gặt giải thưởng của nữ đạo diễn này đã được thể hiện rõ ràng thông qua một số tác phẩm như: Lost in transtion, some where I belong. Với vẻ ngoài mong manh, đôi mắt xanh như nước hồ thu, ít ai nghĩ rằng Sofia lại có thể bắt nhịp nhanh đến vậy trong guồng máy công nghiệp điện ảnh của Mỹ. Hơn nữa cô lại hoàn toàn không bị chi phối bởi những vấn đề về tiền bạc, kinh phí làm phim hay sự cạnh tranh mạnh mẽ với các đồng nghiệp trong vấn đề làm phim. Với cô việc sáng tạo điện ảnh cũng như một cuộc chơi mà người đạo diễn tha hồ được thỏa sức vẫy vùng với ý tưởng, với cái nhìn độc lập của mình về thế giới xung quanh.
Cuộc sống trong phim Sofia dù là góc nhìn về hiện thực trần trụi với đầy những lo toan, chán nản, nỗi buồn vây hãm thì vẫn cứ đẹp. Cái đẹp tồn tại bền bỉ, âm thầm ngay trong chính nỗi buồn hay sự cô đơn. Không thích tô vẽ quá nhiều nhưng không thể phủ nhận sự tươi mới, đa sắc trong từng thước phim của cô gái trẻ này.
Màu sắc trong trang phục diễn viên, tông màu của quay phim, ánh sáng được sử dụngtất cả đều được Sofia tỉ mỉ, kỹ lưỡng lựa chọn và phối kết hợp với nhau tạo thành một bản hòa tấu trọn vẹn. Thật khó để cưỡng lại sự hấp dẫn trong khi theo dõi phim của Sofia bởi nó ảnh hưởng và bao trùm toàn bộ không khí, tiết tấu phim. Nếu chỉ tò mò xem một phần người ta sẽ lại phải tò mò chờ đợi xem tiếp, im lặng đón nhận từng diễn biến tiếp theo trong mạch phim.
Ống kính quay phim của cô phác họa chân dung người phụ nữ trong từng giai đoạn của cuộc đời một cách gần gũi, thân thiện, trìu mến và đầy sự thuyết phục. Có lẽ vì thế mà những cuốn phim, cũng như chính Sofia Coppola luôn luôn là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang.
Cứng rắn mà không cần la hét Trái ngược với những gì mọi người thường mường tượng về giới đạo diễn, Sofia Coppola là một phụ nữ ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng và rất quyến rũ. Ngay cả ở phim trường cô cũng ít khi to tiếng mà thường dùng nụ cười của mình để thu phục lòng người. Với cô, đó là cách để khẳng định vị thế "vua trường quay" của mình và cũng khiến mọi người xung quanh không bị ức chế khi làm việc. "Tôi nhận ra rằng công việc đạo diễn chính là việc đưa ra hàng loạt quyết định. Miễn là bạn quyết định một cách rõ ràng và dứt khoát, bạn sẽ không cần phải la hét. Mọi người sẽ tôn trọng bạn khi họ biết rõ bạn muốn gì". |
Hương Giang