Như báo Người Đưa tin phản ánh, ngày 27/11, anh Trần Đình Khánh (SN 1985), trú tại đội 1 Lương Sơn, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An), trong lúc làm thịt một con lợn nái nặng khoảng 2 tạ đã bất ngờ phát hiện vật thể lạ.
Sau khi đưa ra làm sạch, anh Khánh thấy vật thể này hình bầu dục, có lông như lông heo kết lại với nhau. Đưa lên bàn cân, vật thể này nặng gần 1kg. Sau đó, anh Khánh đã lên mạng tìm kiếm thông tin để kiểm tra. Kết quả anh Khánh thấy vật thể rất giống viên “cát lợn” (hay được gọi là trư sa, trư cát) và giữ lại để tìm hiểu thêm.
Thông tin vật thể lạ nhà anh Khánh nghi là cát lợn khiến rất đông người dân địa phương hiếu kì đến xem. Nhiều người còn cho rằng, cát lợn chẳng khác gì loại ngọc quý, đặc biệt có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu đàm, an thần, trị mất ngủ, hôn mê, động kinh...
Trước những đồn đoán về việc “cát lợn” có công dụng chữa bệnh khiến không ít người săn lùng và sẵn sàng chi tiền, thậm chí có nơi cát lợn được rao lên cả chục tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y TP.Hà Nội cho biết: “Tôi chưa tiếp cận tài liệu, bằng chứng khoa học nào về giá trị y khoa của “cát lợn”. Trong Đông y cũng không có vị thuốc nào được bào chế từ "cát lợn" hay được lấy từ dạ dày lợn để chữa bệnh”.
Các chuyên gia cho hay, trong Đông y có sử dụng sỏi mật của trâu và bò (hay còn gọi là ngưu hoàng) để làm thuốc trị bệnh. Tuy nhiên, không thấy ai sử dụng vị thuốc nào từ dạ dày của lợn, cát lợn hay sỏi mật lợn để chữa bệnh.
Cũng theo ông Siêm, hiện nay hễ có bài thuốc hay sản phẩm gì người bán quảng có công dụng “thần dược” là đổ xô đi mua mà không kiểm chứng thông tin. Thực chất, vật thể mà người dân cho là "cát lợn” chỉ là khối sỏi bệnh, giống như sỏi ở con người do những chất thải không được thải ra ngoài tích tụ lại trong cơ thể con lợn chứ không có công dụng chữa bệnh.
“Người dân không nên tin vào những thông tin thổi phồng, không nên tin sử dụng để làm thuốc để tránh tiền mất tật mang”, ông Siêm nhấn mạnh.
Vân An