Sôi động 'phố đổi tiền' ngày giáp Tết

Sôi động 'phố đổi tiền' ngày giáp Tết

Thứ 2, 28/01/2013 08:06

"Phố tiền lẻ" là tên gọi thứ hai (đã được 10 năm) của phố Đinh Lễ, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội. Gần tết và vào những ngày lễ, nơi đây luôn sôi động và nhộn nhịp cảnh người hỏi, kẻ đổi tiền. Tết âm lịch cận kề là lúc hoạt động trên phố này tấp nập hơn bao giờ hết. Nó nhộn nhịp từ 8h sáng đến tận 20h tối.

Người ta đến đây đổi tiền nước ngoài (trong đó có USD, nhân dân tệ, đồng bảng Anh...) và tiền Việt, loại tiền lẻ để đi lễ đền, chùa... Chính vì "cầu" vẫn có nên phần "cung" ở phố này sung túc hơn bất kỳ nơi nào tại Thủ đô.

Chặn đầu xe của khách "gạ" đổi tiền

Trong vai một người đi đổi tiền lẻ cho cơ quan trong dịp tết, chúng tôi đã tiếp cận được những người làm "nghề đổi tiền" trên con phố nổi tiếng với các hiệu sách này. Mới dừng xe đầu phố, chúng tôi đã "được" hai người phụ nữ chặn đầu xe, hồ hởi: "Đổi tiền hay đô la (tức tiền Mỹ) hả em? Ra đây chị đổi cho, nhanh lắm...". Một người bạn làm trên phố Đinh Lễ cho tôi biết, ở phố này phụ nữ làm "nghề đổi tiền" lẻ chiếm phần đông. "Đồ nghề" hoạt động của họ là một cái túi khoác trước ngực,  một cái xe máy dựng vỉa hè, khi không có khách đổi tiền, họ ngồi tụm năm tụm ba "chém gió" cùng nhau. Nhưng khi thấy ai dừng xe hoặc có tín hiệu dừng xe là họ lao ra chặn đầu xe lại để chào mời đổi tiền. Nhiều cô gái trẻ, do tay lái yếu, khi "bị" những người phụ nữ này lao đến quá nhanh, họ đã giật mình, đổ cả người lẫn xe xuống đường phố...

Nổi tiếng ở "phố tiền lẻ" này là một người phụ nữ có biệt danh M. "lùn". Chị ta được giới chuyên đổi tiền mệnh danh là đầu mối của các loại tiền lẻ. Theo lời chị M. "lùn", thì chị "làm nghề" ở đây đã gần 15 năm. "Mùa làm ăn" của những người "sống nhờ" phố này là từ tháng 10 âm lịch đến tháng 4 năm sau. Vì cuối năm và đầu năm, nhu cầu tiền lẻ tăng đột biến bởi người dân cần tiền lẻ đi lễ chùa, đình, đền và đặc biệt là  lì xì đầu năm lấy may. Ngoài công việc chính là đổi tiền, chị M. "lùn" còn kiêm luôn cả nghề trông xe trên vỉa hè phố Đinh Lễ. Chị Thu Hằng (phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) cho biết: "Vì xung quanh khu vực Bờ Hồ là phố trung tâm nên nhu cầu gửi xe rất lớn. Nhiều khi, công ty hết chỗ để xe, chúng tôi đành phải gửi ở ngoài. Nhiều người phụ nữ làm "nghề đổi tiền" cũng kiêm luôn trông xe với giá rất... "chát", thường là  10.000 đồng/2 tiếng. Chưa tính đến số tiền chênh lệch khi đổi tiền, thu tiền gửi xe hàng ngày cũng làm giàu cho những người làm "nghề đổi tiền" này rồi".

Hàng ngày, trên phố Đinh Lễ và Nguyễn Xí, có khoảng 10 người phụ nữ làm "nghề đổi tiền" lẻ "di động". Họ được "dân xã hội" xác định là phụ nữ có "máu mặt" của đất Hà thành. Họ mặc sành điệu với quần áo hàng hiệu và xăm mắt, xăm môi. Theo chị Mai, bán nước trước cửa nhà sách Kim Đồng thì: "Họ làm như chơi thế thôi nhưng mỗi ngày ít nhất cũng thu về bạc triệu đấy! Sướng lắm, những buổi trưa không có khách, họ toàn rủ nhau đi ăn nhà hàng...".

Tiêu dùng & Dư luận - Sôi động 'phố đổi tiền' ngày giáp Tết

Hai người phụ nữ này đang "chờ khách" đến đổi tiền.

Chị M. "lùn" bảo với tôi: "Em đi đổi tiền cho công ty, ra chỗ chị là đúng địa chỉ rồi. Các năm trước, nhiều công ty ra đây đổi tiền lắm. Có công ty, họ đổi cả trăm triệu đồng đấy. Năm nay kinh tế khó  khăn, tiền ở ngân hàng chỉ đổi cho các "công ty đại gia" thôi. Nhưng chỗ chị, tiền gì cũng có, bao nhiều cũng đổi, công ty thường hay "công ty đại gia" cũng vậy. Chị có người nhà làm trong ngân hàng Viettin bank em ạ". Nói rồi, chị M. "lùn" mở cốp xe ga, dựng sát vỉa hè, cho tôi xem các cọc tiền mệnh giá 10.000 đồng, 5.000 đồng, 500 đồng từ túi xách màu đen, còn nguyên giấy niêm phong của ngân hàng. "Tùy vào số lượng tiền em đổi, nếu nhiều, chị sẽ bớt tỷ lệ cho!" - chị M. "lùn" tiếp thị.

Mức giá đổi tiền lẻ do chị M. "lùn" đưa ra là 10.000 đồng "ăn" 7.000 đồng (tức khách đổi tiền đưa 10.000 đồng tiền chẵn, được cầm về 7.000 đồng tiền lẻ). Các loại tiền mệnh giá nhỏ hơn thì giá hoán đổi đắt hơn: Tiền 5.000 đồng giá đổi chênh lệch 2.500 đồng/tờ; tiền 500 đồng, 1.000 -2.000 đồng cũng phải chịu mức chênh cao hơn. "Nếu em đổi 1 triệu đồng tiền 10.000 đồng, chị bớt cho theo tỷ lệ 10 "ăn" 8!", chị M. “lùn” nói. Người phụ nữ tên Hà phân bua với tôi: "Em đừng so sánh với việc đổi tiền lẻ ở chùa. Tiền lẻ ở các điểm trước cửa đình, chùa là tiền quay vòng, còn tiền của chị 100% mới, còn nguyên sê-ri ngân hàng, thậm chí còn "cạo được râu" nên giá phải cao hơn! Hôm qua có công ty về may mặc còn ra "hợp đồng" với bọn chị đổi 500 triệu tiền 10.000 và 20.000 đồng đấy".

Giao hàng tận... nhà

Chị Mai Anh (phố Vọng, Hà Nội) cho biết: "Ở "phố tiền lẻ" này, những loại mệnh giá 10.000, 20.000, 50.000, 100.000 đồng polyme nguyên sê-ri, chưa qua sử dụng thì đổi theo tỷ lệ 10 "ăn" 7 hoặc 8 thùy theo độ "khéo miệng" của khách. Với các loại tiền mệnh giá nhỏ để đi lễ chùa đầu năm như 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng thì phí đặc biệt cao. Để mua 100.000 đồng loại 200 đồng nguyên sê-ri, khách hàng sẽ mất từ 250.000 - 300.000 đồng tùy vào số lượng đổi. Nếu khách có nhu cầu đổi nhiều, những người đổi tiền ở đây sẽ tập hợp số tiền của họ lại để đổi cho người có nhu cầu và họ tự ăn chia tiền lời với nhau".

Nhiều người có nhu cầu đổi tiền cho biết, khác với phố Hà Trung, Hàng Bông (cũng ở Hà Nội), tại phố Đinh Lễ, muốn đổi tiền, khách không phải chờ lâu, cứ đưa ra "tiền tươi" là sẽ có "thóc thật". Đây cũng chính là lí do để phố này tồn tại được hơn 10 năm.  Theo quan sát của PV báo ĐS&PL, "lực lượng" đổi tiền này không những "gạ gẫm" khách Việt Nam mà còn "chèo kéo" cả khách nước ngoài. Không biết ngoại ngữ nhưng khi thấy khách nước ngoài đi qua phố này, họ vẫn bám theo và chỉ nói được vài từ: "Hello, dolla?" (xin chào, đổi tiền không - PV) khiến cho không ít du khách khó chịu khi tới khu vực Bờ Hồ ngắm cảnh.

Thời điểm Tết cận kề, ngoài tiền lẻ, tiền nguyên sê-ri thì đô la là tiền nước ngoài được nhiều người đổi nhất. Loại 2 đô la mới, nguyên sê-ri có giá 80.000 đồng/tờ, 1 đô la giá 30.000 đồng/tờ. Loại tờ 100 đô la thì cứ đổi theo nguyên tắc 2 triệu đồng lấy thêm 100.000 đồng/tờ. Chị Hà cho biết thêm, nếu đổi với số lượng lớn (ngày hay đêm), chỉ cần gọi điện trước 15 phút, sẽ có người mang tiền giao tận nhà, kể cả ngày 30 Tết và càng đổi nhiều, phí càng thấp. Lấy trên 100 tờ loại 2 đô la mới, giá chỉ 50.000 đồng/tờ. Loại 2.000 đồng, tiền Việt nếu lấy trên 5 triệu đồng thì giá giảm từ 12- 15%.

Năm con rắn này, loại tiền giấy "hoa hậu" 10.000 đồng và đồng 2 đô la hiện đang "hút" khách đổi nhất, nhưng mức giá chênh thì khá "chát". Với các sê-ri tứ quý - tam hoa, khách đổi sẽ phải bỏ ra khá nhiều tiền chênh. Một tay chuyên săn tiền số đẹp, tên H. đang rao bán bộ tứ quý - tam hoa loại 2 đô la có số sê-ri G171189000-G18389000 với giá 550.000 đồng/bộ. Bộ có 3 số cuối là 888 - 999 thì giá 1.500.000 đồng/bộ. Chị M. "lùn" cho biết, có nhiều "dân chơi" đến hỏi đổi tiền đẹp để đi "ngoại giao" cấp trên.

Chị M. "lùn" bộc bạch, từ tháng 11 âm năm nay, khách hỏi tiền có mã số phát - lộc; lộc - phát  như 68 - 86; 66 - 68, 26 - 62 rất nhiều, loại tiền 2 đô la nhiều nên giá rất cao. Số thần tài may mắn sê-ri đuôi 3939 - 3979, 6869 - 6869 giá dưới triệu đồng. Có cả những ông khách người Pháp ra đây đổi tiền 2 đô la để lì xì cho nhân viên nhân dịp Tết Dương lịch...

Khi được hỏi tại sao, đồng 2 đô la được "dân chơi" săn lùng vào dịp Tết, thì chị Lan ở "phố đổi tiền" cho chúng tôi biết: "Theo quan niệm của người Á Đông, số 2 là cặp, đôi, chẵn nên người giữ nó ở thời điểm năm mới sẽ nhận được nhiều may mắn. Tại các nước phương Tây, tờ 2 đô la cũng được "săn". Lần phát hành gần đây nhất là năm 2003, còn trước đó là năm 1995".

Anh Trần Vinh Nam (phố Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Năm ngoái, vì muốn đổi tiền lẻ nên tôi đã ra ngân hàng từ 20 tết, nhưng đợi cả ngày không được vì khách đông và ngân hàng lại ưu tiên những khách hàng thân thiết của mình nên những người khác không đến lượt, hoặc có chờ đến mình, thì tiền lẻ trong ngân hàng đã hết. Vì thế, để nhanh chóng, tiện lợi, tôi đến "phố tiền lẻ" Đinh Lễ. Tuy người đổi có thiệt chút ít nhưng lại rất tiện và nhanh. Năm nay kinh tế khó khăn, lượng tiền mệnh giá thấp rất "hút" khách đổi. Mấy anh chị em nhà tôi đã làm "hợp đồng" với một người ở phố này, hẹn 23 tết mang tiền lẻ đến tận nhà để đổi".            

Lạc Thành

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.