Hưng Thịnh Land vừa nộp hồ sơ lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước, chính thức khởi động lộ trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Sau khi được chấp thuận, Công ty sẽ chính thức triển khai IPO và dự kiến niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào năm 2023.
Hưng Thịnh Land cho biết lộ trình IPO của công ty được đề ra với mục tiêu phát triển bền vững, tăng tính minh bạch trong hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh các dự án bất động sản.
Vốn điều lệ tăng gấp 360 lần trong 4 năm
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, CTCP Hưng Thịnh Land được thành lập ngày 17/10/2008, tên người đại diện trên pháp luật của doanh nghiệp là ông Lê Trọng Khương - Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land.
Ngoài đứng tên đại diện cho Hưng Thịnh Land, ông Khương còn giữ nhiều chức vụ khác như Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp), Tổng Giám đốc CTCP BĐS Nghỉ dưỡng Sài Gòn Garden, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Tấn Hưng,...
Hưng Thịnh Land là thành viên chủ lực chuyên về phát triển dự án trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hưng Thịnh. Tập đoàn này còn có nhiều mảng kinh doanh khác như xây dựng Hưng Thịnh Incons (đã lên sàn với mã HTN), môi giới PropertyX, Hưng Thịnh Investment...
Tính đến cuối năm 2017, vốn điều lệ của doanh nghiệp bất động sản này chỉ ở mức 26 tỷ đồng, 100% là nguồn vốn tư nhân.
Sau nhiều lần tăng vốn liên tục giai đoạn 2017 - 2021, vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2021 của Hưng Thịnh Land tăng lên mức 9.379 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 360 lần chỉ sau 4 năm hoạt động.
Ngày 20/6/2022, Hưng Thịnh Land cũng đã hoàn tất giao dịch bán 5% vốn cho 4 cổ đông ngoại. Trong đó, pháp nhân trực thuộc Vietnam Opportunity Fund (VOF) - quỹ lớn nhất do VinaCapital là Vietnam Master Holding 2 Limited nắm giữ 11,5 triệu đơn vị, tương đương 1,23%; 3 tổ chức liên quan đến Dragon Capital là VEIL, DC Developing Markets Strategies và Hanoi Investments Holdings sở hữu tổng cộng 35,88 triệu đơn vị, tương đương 3,77%.
Ngày 27/6/2022, Hưng Thịnh Land tiếp tục phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư trong nước, tăng vốn điều lệ từ 9.379 tỷ đồng lên 9.853 tỷ đồng.
Theo báo cáo của VOF, trong tháng 5/2022, Quỹ đã đầu tư 25 triệu USD để mua cổ phần Hưng Thịnh Land. Nếu số tiền này được VOF dùng để mua 11,5 triệu cổ phần của Hưng Thịnh Land, tương đương mức định giá cho mỗi cổ phần Hưng Thịnh Land ở mức 2,17 USD, tương đường 50.000 đồng/CP.
Với mức vốn điều lệ hiện tại, giá trị vốn hóa của Hưng Thịnh Land khoảng hơn 2 tỷ USD (hơn 49.000 tỷ đồng).
Nợ vay hơn 23.600 tỷ đồng
BCTC của Hưng Thịnh Land tính đến ngày 31/12/2021 ghi nhận doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.995 tỷ đồng - tăng gấp 3 lần so với năm 2020, trong đó, gần 40% doanh thu của Hưng Thịnh Land đến từ việc bàn giao hơn 1.000 sản phẩm trong năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế đạt 1.697 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2020. Biên lợi nhuận gộp của công ty ở mức gần 54%, biên lợi nhuận ròng đạt hơn 34%.
Tổng tài sản của công ty tính đến cuối năm 2021 đạt mức 51.393 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2020. Tổng tài sản tăng mạnh theo sát chiến lược tái cấu trúc tổng thể của Tập đoàn Hưng Thịnh. Theo đó, Tập đoàn này đã và đang tiếp tục chuyển giao toàn bộ mảng phát triển bất động sản cho Hưng Thịnh Land.
Tổng hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty đạt 16.593 tỷ đồng, tăng mạnh so với cuối năm 2020. Đây là giá trị quỹ đất mà Hưng Thịnh Land đang sở hữu tại các dự án như Lavita Thuận An (Bình Dương), Grand Center, Ghềnh Ráng, MerryLand Quy Nhơn (Bình Định), Trường Thọ (Tp. Hồ Chí Minh)…
Nợ vay của Hưng Thịnh Land tính đến cuối năm 2021 ở mức 23.622 tỷ đồng, chủ yếu được hỗ trợ bởi các tổ chức tín dụng uy tín trong nước. Cơ cấu nợ vay có 78% là nợ dài hạn và 22% nợ ngắn hạn.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Hưng Thịnh Land cũng huy động gần 1.700 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.
Trong năm 2022, công ty này dự kiến ghi nhận 10.500 tỷ đồng doanh thu và 3.375 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.