Một hôm một chuyên gia về quản lý doanh nghiệp thuyết trình về quản lý thời gian. Ông đương nhiên biết rõ hơn ai hết thời giờ đối với doanh nhân quí hiếm như thế nào. Nhưng ông không tỏ ra khẩn trương gì cả. Rất thong thả ông đặt một cái thùng miệng rộng dung tích 20 lít trước mặt mọi người và bày ra bên cạnh một đống đá, mỗi hòn to cỡ nắm tay. Ông cẩn thận xếp từng hòn đá vào thùng, cho đến khi những hòn đá cuối cùng đầy tới mép. Xong, ông hỏi: “Thùng đã đầy chưa?” Cử tọa đồng thanh trả lời: “Đầy rồi.”
Nhưng diễn giả bảo chưa. Ông bày ra một đống sỏi, vừa bốc từng nắm bỏ vào thùng, vừa lắc vừa xốc chiếc thùng cho những viên sỏi lọt qua khe hở giữa các hòn đá. Khi ông hỏi lần nữa: “Thùng đã đầy chưa?”, khán giả đã học được mẹo của ông rồi nên đáp: “Có lẽ chưa.” Ông đồng ý, lấy ra một bao cát, từ từ trút vào thùng cho đến khi những hạt cát tí ti len kín các kẽ hở còn lại và đầy sát mép thùng. Ông lại hỏi: “Thùng đã đầy chưa?”. Cử tọa cùng đáp ngay: “Chưa.” Quả là chưa. Ông cầm bình nước lên, rót vô thùng, nước thấm qua cát sỏi, đầy sâm sấp.
Bây giờ ông trang trọng hỏi cử tọa có ai biết ý nghĩa của minh họa vừa rồi không? Một người đáp: “Cho dù thời gian biểu của chúng ta bận bịu cách mấy, cũng vẫn có thể tìm được chỗ nhét thêm cái gì đó vào.” Diễn giả mỉm cười. “Sự thật là, nếu chúng ta không xếp những hòn đá to vào trước thì chúng ta sẽ không bao giờ còn có thể xếp chúng vào được chỗ nào nữa".
Tình cờ đọc câu truyện trên tôi tự hỏi những hòn đá lớn của đời mình là gì? Phát minh khoa học, thay đổi xã hội, viết một bài thơ, sắm một biệt thự, lập một gia đình, rong chơi trên núi, đạt ba bằng cấp, thắng một ván bài? Có thể với mình, hòn đá này tựa núi Thái Sơn, nhưng với người khác chỉ là nắm cát vụn. Có thể thời thanh niên, nhiều điều chẳng qua cát sỏi mình đã gạt ra trên đường đi, bây giờ bỗng nhận ra đó chính là những hòn đá lớn nhất trên đời, nhưng mình không còn cách nào để đặt vô chỗ nào trong quỹ thời gian sắp cạn. Bạn bè trang lứa ai cũng lọc xọc trong thùng đủ cát đá sỏi… Bỗng dưng tôi muốn trút cái thùng của mình ra…
Nhớ năm đó tôi về Cần Giuộc dạy học. Hăm ba tuổi đời. Có người rủ tôi đi Rạch Núi chơi. Buổi chiều tan trường, cơm nước xong rồi mới khởi hành bằng xe đạp. Bây giờ bảo tôi một mình đi lại con đường xưa, tôi không chắc mình còn nhớ đường đi. Chỉ nhớ là suốt quãng đường mười mấy cây số, chỉ có ánh trăng soi bóng hai người. Vùng hạ, đêm rằm, thủy triều đang lên.
Bạn tôi nói nước sắp dâng ngập con đường, nếu mình chậm một chút thì không thể đi được nữa. Tôi hỏi nếu không đi được nữa thì làm sao? Không thể làm sao cả. Mình đang chạy đua với thủy triều. Cuối cùng chúng tôi đến một gò đất nhỏ gọi là Núi, trên đỉnh có một cái chùa cổ gọi là chùa Núi, dòng nước chảy quanh chân gò là rạch Núi, và gần đó có một cái chợ con tên là chợ Rạch Núi. Chung quanh mênh mông đồng ngập nước, ánh trăng lai láng xóa mờ đường giáp mặt đất và bầu trời, lung linh bóng dừa nước và những mái nhà lá xa xa. Cảnh quan thật kỳ ảo, càng về sau tôi càng ngờ rằng đỏ chỉ là giấc chiêm bao. trời không đen, trời không xanh. Trăng không vàng, trăng không bạc.
Đêm trên gò Núi chỉ bó gối nhìn trăng sao, hát vu vơ, nói dăm câu chuyện tầm phơ. Lúc đó, tương lai không ai nói chắc được, quá khứ cũng chưa đủ chín để hái. Mờ sáng hôm sau lại khởi hành về thị trấn, bằng con đường khác, qua Chợ Trạm, vì đường cũ ngập nước suốt đêm đã trở nên lầy lội. Bây giờ có ai hỏi tôi đi Rạch Núi làm gì, tôi không thể giải thích được. Tôi đi chơi, hình như vậy. Đó không phải là một hòn đá to. Nhưng bây giờ tôi sẽ lượm lại hòn sỏi nhỏ đó trước tiên, để cho lại vào chiếc thùng đã trút rỗng của mình.
Cuộc sống đô thị khiến cho người ta cảm thấy mình bận quá. Hoạt động nào không cần thiết hoặc không đưa tới một hiệu quả thực tiễn thì coi như ‘thì giờ lãng phí vô tích sự”. Người ta bèn nghiên cứu một cách nghiêm túc cách sử dụng thời gian của con người hiện đại. trung bình một người sống ở đô thị vào những năm tháng này lãng phí hết 2 năm rưỡi của đời mình cho đủ thứ chuyện vô tích sự như kẹt xe, chờ xe, sắp hàng, giâýtờ thủ tục hành chánh không cần thiết, v.v…
Cụ thể là mỗi tuần trung bình một người mất một tiếng đồng hồ để kiếm cái gì đó mình đã để ở đâu đó trong nhà mình, một giờ ba mươi phút kẹt trong rừng xe cộ, một giờ 24 phút mất cho sự rườm rà của thủ tục hành chánh và thói quan liêu, một giờ 12 phút đứng sắp hàng ở cửa hàng, nhà băng hay đâu đó, một giờ 18 phút lãng phí đi tìm mua một món đồ mà rốt cuộc không mua được. Và bây giờ 28 phút mất vào những lúc không biết làm gì cả. Người ta còn đưa ra kết luận là những người trẻ tuổi lãng phí nhiều thời gian hơn những người thuộc lứa tuổi hưu trí, đàn ông lãng phí thời gian nhiều hơn đàn bà. Và vì những sự lãng phí đó, người ta thường xuyên trễ nải, luôn luôn thiếu thì giờ.
Làm việc. Làm việc. Làm việc. Đúng giờ. Khẩn trương. Chính xác. Nhanh lên. Vội lên. Gấp lên. Mình đang tụt hậu. Mình đang lạc hậu. Mình đang chậm tiến. Vươn lên. Vươn lên. Vươn lên. Tin học. Ngoại ngữ. Quản lý kinh doanh. Không còn cách nào khác hơn phải trang bị cho mình những vũ khí tối ưu để xông pha vào chiến trường kinh tế ngày nay. Tôi đã từng dạy học trò tôi như vậy. Tôi sẽ không dạy khác đi nếu tôi còn dạy học nữa. Tôi cũng không giận khi một người thân quen gọi điện thoại đến, “… xin lỗi cô,… bận quá…”. Tôi có 24 giờ một ngày, như mọi người. Tôi phải làm việc kiếm sống, chăm sóc người thân và bản thân mình, và cũng lãng phí thì giờ vô tích sự cho cuộc sống đô thị.
Tôi không khác mọi người. Phải không? Tôi có khác gì ai đâu ? Vậy những người đang sống cùng thời với tôi, phải chăng cũng có lúc dừng xe ở ngã tư đèn đỏ tên đường tan sở, chợt tự hỏi hòn đá to của đời mình đã kịp bỏ vô thùng chưa? Hay có lúc nửa đêm thức giấc trong căn phòng kín mít mà nhớ da diết một đỉnh núi bát ngát ánh trăng?
Nhà văn Lý Lan