Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với Bộ Y tế về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 9/12, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết:
Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng và nhất trí chưa thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn bảo đảm thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.
Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được đánh giá là một dự luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế.
Sau Kỳ họp thứ 4, Thường trực Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế đã chủ động họp bàn, thống nhất tiếp thu, chỉnh sửa và Chính phủ đã có báo cáo số 477 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho biết, qua theo dõi, nhiều ĐBQH, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội còn băn khoăn về một số quy định trong dự thảo Luật như: về cơ chế bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh; mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám chữa bệnh công lập, hợp tác công tư…
Tại Kỳ họp vừa qua, các ĐBQH còn góp ý về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ; đề nghị bổ sung, cụ thể hơn một số quy định về phân cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề; kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề; về dinh dưỡng trong khám bệnh chữa bệnh; về phục hồi chức năng (quy định tài Điều 67,68).
Đại biểu cũng góp ý cụ thể vào một số điều khoản về: chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh; chính sách ưu đãi đối với cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành y tế; về quy định đối với vùng kinh tế, xã hội khó khăn… và một số góp ý về kết cấu, văn phong, kỹ thuật lập pháp và thời điểm thông qua dự án Luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Xã hội báo cáo tình hình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế thảo luận, thống nhất việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đối với những vấn đề phù hợp mà ĐBQH nêu tại kỳ họp vừa qua.
Sau khi nghe Thường trực Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế báo cáo tình hình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao hai cơ quan đã thống nhất các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Luật để trình, báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 18 tới đây.
Cũng tại cuộc làm việc, các đại biểu đã nghe Thường trực Ủy ban Xã hội báo cáo các nội dung về Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30 về các chính sách phòng, chống Covid-19 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết 30 ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều hành, đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ nhằm đáp ứng yêu cầu vừa phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn bộc lộ nhiều thiếu sót như việc hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội có lúc, có nơi còn chậm; việc thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19 còn một số khó khăn, vướng mắc; việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch một số nơi chưa kịp thời, thỏa đáng…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tổng kết, báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian sớm nhất.