Ở Phú Yên, nuôi tôm hùm chủ yếu tại vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu), vùng biển hở ven bờ tại các xã An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Chấn (huyện Tuy An), vịnh Vũng Rô (thị xã Đông Hòa).
Phần lớn ngư dân sử dụng lồng bè truyền thống, đơn giản, sức chống chịu bão, gió kém nên chỉ nuôi được trong các đầm vịnh, diện tích hạn chế không thể mở rộng được ra các vùng biển. Việc bị giới hạn vùng nuôi cùng tình trạng nuôi tôm hùm tự phát diễn ra phổ biến đã phần nào khiến môi trường nuôi bị ô nhiễm và dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Phú Yên được xem là thủ phủ nuôi tôm hùm. Ảnh: Bảo Lâm
Bên cạnh đó, mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm rất ít. Hiện, tôm hùm chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc từ 75 – 90% theo đường tiểu ngạch. Và từ giữa năm 2023, việc cấm nhập khẩu tôm hùm bông vào thị trường này đã làm cho các hộ nuôi và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh - Phó Trưởng phòng kinh tế thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chia sẻ: "Một trong những cái khó nhất của bà con nuôi tôm hùm là giao quyền sử dụng khu vực biển theo luật thủy sản. Đây là một trong những cơ sở để ngành thủy sản cấp cơ sở nuôi. Liên quan đến việc này thì nó lại kéo theo câu chuyện quy hoạch. Có quy hoạch thì mới có cơ sở giao khu vực biển cho bà con nuôi tôm hùm".
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân, cần sớm giao mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS) cho người dân.

Ngư dân Phú Yên thu hoạch tôm hùm, bán cho thương lái. Ảnh: Bảo Lâm
Theo đó, về tổ chức và quản lý sản xuất, các địa phương cần sớm đẩy nhanh quy hoạch chi tiết vùng nuôi để lên bản đồ số, triển khai giao mặt nước NTTS cho người dân.
Đồng thời tăng cường quản lý vùng nuôi, giám sát môi trường, dịch bệnh và kiểm soát chặt chẽ hóa chất sử dụng trong NTTS. Một yếu tố nữa để phát triển tôm hùm mà các địa phương cần quan tâm là mở rộng các thị trường nước ngoài khác, không chỉ tập trung thị trường Trung Quốc. Vì vậy, việc sản xuất phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.
Các địa phương, doanh nghiệp, HTX nuôi tôm hùm cần đẩy mạnh liên kết thu mua, chế biến và tiêu thụ, nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, bền vững. Chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để tổ chức sản xuất ngành hàng tôm hùm bài bản và có hệ thống hơn.
Hiện nay, tại Phú Yên, đơn vị xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ tôm hùm xanh tại thị xã Sông Cầu là HTX Dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải sản Linh Phát, Công ty TNHH Thành Nga nhằm cung cấp giống tôm hùm đạt chất lượng và xuất khẩu tôm hùm nuôi. Hiện, HTX này có 35 thành viên với số lượng khoảng 2.300 lồng nuôi tôm hùm xanh, sản lượng khoảng 100 tấn/năm.

HTX Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu thu hoạch tôm hùm. Ảnh: Bảo Lâm
Ông Trần Văn Thơm - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, Phú Yên chia sẻ: "Mình xây dựng HTX đây là để bảo vệ cho bà con nuôi trồng, thứ nhất là cái vị trí, nuôi trồng ở chỗ an toàn, nước sạch thì con tôm mới được chất lượng rồi mới sang thị trường Trung Quốc. Cái thứ 2, bà con chúng tôi vào hợp tác xã, phía sau có nhà nước hỗ trợ, không có sợ thất thoát như trước đây đi tiểu ngạch".
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, ông Đào Quang Minh cho biết: "HTX tôm hùm ở Sông Cầu thể hiện tốt được vai trò của mình. Chẳng hạn như tập hợp được xã viên gom được hàng xuất đi Trung Quốc. Qua đó, HTX đảm bảo được giá mua đầu vào ổn định cho xã viên tham gia HTX. Chúng tôi hy vọng khi việc HTX được thành lập kéo theo nhiều xã viên cùng tham gia cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị nhà nước, việc sản xuất và tiêu thụ tôm hùm bông và tôm hùm nói chung có đầu ra tốt hơn"
Ông Phan Trần Vạn Huy - Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết, sau khi Đề án tổng thể phát triển ngành NTTS tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt, địa phương sẽ triển khai sắp xếp, giao khu vực biển, mặt nước để NTTS lồng bè tại các vùng nuôi ngay, tiến tới chấm dứt tình trạng NTTS không phép, trái phép trên đầm, vịnh.
Bên cạnh đó, thị xã Sông Cầu triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải từ NTTS lồng, bè; đầu tư hạ tầng ven bờ phục vụ NTTS; ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển NTTS vùng biển xa bờ; chuyển đổi lồng bè nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện, địa phương đề xuất các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng khi thực hiện việc giải tỏa lồng, bè để đảm bảo an sinh xã hội, có việc làm ổn định sau khi thực hiện sắp xếp lồng, bè.
Bảo Lâm