Sớm sửa đổi Thông tư 25 để ngăn chặn lợi ích nhóm

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 7, 20/11/2021 09:15

Việc Thông tư 25 trao toàn quyền bỏ phiếu lựa chọn SGK cho hội đồng (HĐ) lựa chọn SGK có thể bị lợi dụng để thực hiện “lợi ích nhóm”.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định “xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Đó là những quy định của pháp luật thể hiện chủ trương “một chương trình - nhiều sách giáo khoa” – một chủ trương mang tinh thần đổi mới sâu sắc, có tính cách mạng trong giáo dục phổ thông (GDPT) nhằm huy động các nguồn lực, tạo nhiều kênh cung cấp tri thức, tránh tình trạng độc quyền sách giáo khoa (SGK), phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời đại kinh tế tri thức, cách mạng công nghệ 4.0 và xu thế hội nhập nhập với thế giới.

Giáo dục - Sớm sửa đổi Thông tư 25 để ngăn chặn lợi ích nhóm

Việc lựa chọn SGK hiện nay có nhiều bất cập. Ảnh minh hoạ

Nhờ có chủ trương đúng, chỉ đạo phù hợp, nên thời gian qua, việc biên soạn, xuất bản SGK đã đạt được những kết quả ban đầu tích cực, được xã hội đồng tình. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” không dễ dàng trong thời kỳ chuyển đổi. Đặc biệt là gần đây, dư luận đã nêu lên những hiện tượng bất thường trong việc thực hiện Thông tư số 25 ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc lựa chọn SGK, có khả năng dẫn đến triệt tiêu chủ trương “một chương trình - nhiều SGK “.

Nhìn một cách tổng thể, có thể thấy bên cạnh những quy định phù hợp, việc Thông tư 25 trao toàn quyền bỏ phiếu lựa chọn SGK cho hội đồng (HĐ) lựa chọn SGK có thể bị lợi dụng để thực hiện “lợi ích nhóm”. Cụ thể, điểm b khoản 4 Điều 8 quy định: “Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học”. Quy định này sẽ dẫn đến 2 hệ quả sau đây:

Mâu thuẫn giữa các quy định trong Thông tư: Theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 cũng thuộc Điều 8, cơ sở GDPT phải tổ chức xét chọn rất công phu: tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên (GV) nghiên cứu, đánh giá và bỏ phiếu kín lựa chọn SGK; cơ sở GDPT “tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) để thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn 01 SGK cho mỗi môn học”. Tuy vậy, toàn bộ kết quả lựa chọn hết sức công phu của các tập thể và cá nhân trực tiếp sử dụng SGK rất có thể bị một HĐ chỉ gồm 15 người bác bỏ. Lý do bác bỏ có thể chỉ đơn giản là nếu toàn tỉnh (toàn thành phố) sử dụng một quyển SGK, một bộ SGK thì thuận tiện hơn cho cơ quan chỉ đạo. Như vậy có nghĩa là toàn bộ các quy định ở khoản 1, khoản 2 và khoản 3 bị vô hiệu hóa bằng khoản 4.

Hệ quả trong thực tiễn: Hiện nay, do có nhiều NXB tham gia biên soạn và phát hành SGK nên đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi (NXB đầu tư cho Sở GDĐT để có lợi cho việc phát hành sách của mình; cạnh tranh về tỷ lệ chiết khấu phát hành; vận động không lành mạnh một số địa phương và cán bộ quản lý giáo dục trong việc chỉ định mua SGK; chỉ đạo các Công ty phát hành SGK ở địa phương không được phát hành SGK các NXB khác,…).

Điều này lẽ ra Bộ GDĐT cần lường trước vì không hề khó đoán. Quy định tại khoản 4 Điều 8 trao toàn quyền cho HĐ lựa chọn SGK đã tạo điều kiện cho thành viên HĐ chỉ thực hiện quyền mà không phải chịu trách nhiệm do cơ chế bỏ phiếu kín. Kẽ hở pháp luật này rất dễ bị lợi dụng, phục vụ cho lợi ích nhóm, vô hiệu hóa quyền dân chủ của cơ sở, làm thiệt hại cho quyền lợi của giáo viên và học sinh. Khi tình trạng lựa chọn SGK thiếu khách quan diễn ra tràn lan thì việc lựa chọn SGK lại quay về cơ chế chỉ có một bộ SGK cho một môn học ở địa phương.

Để khắc phục và hạn chế việc lợi dụng Thông tư 25 nhằm thực hiện lợi ích nhóm tiêu cực và ngăn chặn tình trạng đi ngược lại chủ trương “một Chương trình – nhiều SGK”, tôi cho rằng:

Bộ GDĐT sớm sửa đổi Điều 8 Thông tư 25 theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn SGK của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng SGK. HĐ lựa chọn SGK chỉ kiểm tra để xác nhận SGK được cơ sở GDPT lựa chọn là SGK đã được Bộ GDĐT phê duyệt cho sử dụng, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Trong trường hợp SGK được dưới 10% cơ sở GDPT lựa chọn, HĐ khuyến nghị Sở GDĐT thông báo cho các cơ sở GDPT đó biết tỉ lệ lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT khác trong toàn tỉnh (thành phố) để cơ sở nghiên cứu, lựa chọn lại, nếu cần. Việc lựa chọn lại thực hiện theo đúng quy trình từ tổ chuyên môn lên, như quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 8. Trong trường hợp cơ sở GDPT vẫn giữ ý kiến đề xuất của mình thì HĐ lựa chọn SGK báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở bảo đảm quyền dân chủ của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng SGK.

Bộ GDĐT cũng cần bổ sung vào Thông tư 25 các quy định về yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn SGK; cách xử lý ý kiến khác nhau giữa đề xuất của cơ sở GDPT và HĐ lựa chọn SGK địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần quan tâm chỉ đạo để việc lựa chọn SGK ở địa phương có định hướng và cơ chế lựa chọn đúng đắn, đặc biệt, cần chỉ đạo chặt chẽ việc lựa chọn thành viên HĐ lựa chọn SGK (về năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức) và quy chế hoạt động của HĐ; xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực.

Nguyễn Hoàng Long - Nguyên GĐ Sở GD&ĐT, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.